Tầm nhìn chiến lược cho thể thao Việt Nam

Thứ Ba 15:24 25/12/2018

Tiếp tục công cuộc đổi mới bóng đá, định hướng đầu tư trọng điểm, nhất là ở những môn cơ bản Olympic, thể thao Việt Nam đã có những bước đột phá, phát triển mạnh mẽ trong năm 2018 với nhiều thành tích cao ở các kỳ giải, đại hội trong nước cùng các đấu trường khu vực và châu lục. Thực tế cũng bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn, đòi hỏi thể thao Việt Nam cần một tầm nhìn chiến lược, lâu dài để phát triển bền vững, duy trì và chinh phục những đỉnh cao thành tích mới.

 

VĐV Bùi Thị Thu Thảo đoạt HCV môn nhảy xa tại ASIAD 2018.

Bước đột phá và thách thức

Bóng đá chính là môn thi đấu mở đầu cho một năm 2018 sôi động của thể thao Việt Nam với thành tích mang tính đột phá làm nức lòng người hâm mộ bằng ngôi vị Á quân Giải bóng đá U 23 châu Á của đội tuyển U23 Việt Nam. Ngọn lửa niềm tin đã được các tuyển thủ trẻ thắp lên đầu năm bằng một hành trình nhọc nhằn và vinh quang, lần lượt vượt qua các đối thủ mạnh của châu lục ở các vòng đấu để tiến vào trận chung kết. Nối tiếp là cuộc chinh phục của đội tuyển Olympic Việt Nam mà thành phần chủ yếu vẫn là các cầu thủ U23 đã lọt vào tới bán kết Asiad 2018 và trở thành một trong "tứ hùng" châu lục ở đại hội. Khép lại hành trình vinh quang của đội tuyển Việt Nam là chiếc Cúp vô địch khu vực ở Giải AFF Suzuki Cup 2018 với các gương mặt trẻ quen thuộc. Các cầu thủ đã thi đấu ngang ngửa với những đội bóng mạnh của châu lục và thể hiện sự vượt trội ở khu vực, giữ vững được phong độ và càng đá càng hay, thể hiện bản lĩnh và ý chí thi đấu kiên cường. Việc đội tuyển Olympic nước ta thắng đội tuyển Olympic Nhật Bản tại Asiad 2018 đã được giới chuyên môn nhìn nhận khác hẳn về một thế lực bóng đá đáng gờm. Ðiều này tiếp tục được khẳng định tại AFF Suzuki Cup 2018 khi đội tuyển Việt Nam có màn trình diễn và đăng quang đầy thuyết phục, thi đấu bất bại với hiệu suất cao (đá sáu trận thắng, hai trận hòa; ghi 15 bàn thắng và chỉ để thủng lưới bốn lần). Những chiến thắng ấy đã mang lại sự tự tin lớn cho bóng đá Việt Nam, tạo niềm tin về một tương lai tươi sáng vươn tầm châu lục của bóng đá nước nhà. Ðó không phải sự đột biến nhất thời mà là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, đào tạo để rồi thăng hoa của một thế hệ cầu thủ trẻ, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo tài năng và đầy nhiệt huyết, có khả năng dùng người linh hoạt trong từng trận đấu trước mỗi đối thủ, biết động viên và truyền cảm hứng, ý chí thi đấu đến học trò. Người hâm mộ bóng đá trong khu vực và châu lục cũng như báo chí và giới chuyên môn các nước đã bày tỏ sự khâm phục và ngạc nhiên trước tiến bộ vượt bậc và thành tích của bóng đá Việt Nam khi nhận định: Tinh thần đồng đội, hàng công hiệu quả, hàng thủ vững chắc, thi đấu ổn định là những chỉ dấu cho thấy Việt Nam xứng đáng xếp hạng cao ở các giải đấu trong năm vừa qua.

Bên cạnh những thành tích nổi trội của bóng đá, thể thao nước nhà trong năm 2018 tiếp tục có những thành công mới ở các kỳ giải quốc tế và nhất là tại Ðại hội thể thao châu Á - Asiad 2018. Với 352 vận động viên (VÐV) dự thi đấu 32 môn, Ðoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, lần đầu có được thành tích cao nhất trong suốt lịch sử tham dự đại hội với bốn Huy chương vàng (HCV), 17 Huy chương bạc (HCB) và 18 Huy chương đồng (HCÐ). Trong đó, đáng nói nhất là hai HCV ở môn thể thao Olympic: nhảy xa nữ môn điền kinh của VÐV Bùi Thị Thu Thảo và đua thuyền rowing bốn nữ của các VÐV: Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo. Ngoài ra, còn có thành tích đáng tự hào vượt qua các đối thủ mạnh của châu lục để đoạt HCB môn bơi của VÐV trẻ mới 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng cùng chiến thắng của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam trước đội tuyển bóng chuyền nam hàng đầu châu lục là Trung Quốc.

Những thành công nêu trên xuất phát từ nỗ lực của các VÐV cũng như quá trình chuẩn bị và tập trung đầu tư của Tổng cục Thể dục - Thể thao và các địa phương và ngành có VÐV tham dự. Trước đại hội, đã có hơn 400 VÐV nước ta cùng gần 100 huấn luyện viên và chuyên gia nước ngoài được tập huấn tại năm trung tâm huấn luyện trong nước. Nhiều đội tuyển và vận động viên có khả năng giành huy chương được tập huấn và thi đấu tại các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và bảo đảm tốt các điều kiện cho các đội tuyển tập luyện nâng cao thành tích như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam còn tuyển chọn và thuê 15 chuyên gia có trình độ cao để hướng dẫn tập luyện một số môn, nội dung có khả năng đạt thành tích cao là: điền kinh, bắn súng, karatedo, wushu, xe đạp, bắn cung.

Cùng với quá trình chuẩn bị cho Asiad 2018, các địa phương và ngành trong cả nước cũng sôi nổi tổ chức nhiều đại hội thể thao cơ sở mà đỉnh cao là Ðại hội thể thao toàn quốc lần thứ tám - 2018. Diễn ra trong gần một tháng, hơn 7.000 VÐV đã cùng nhau tranh tài ở 36 môn thể thao bao gồm 734 nội dung thi đấu, với 43 kỷ lục quốc gia, 169 kỷ lục đại hội được thiết lập và 743 bộ huy chương đã được trao cho các VÐV thi đấu xuất sắc tại đại hội. Qua đó cho thấy thể thao thành tích cao đã có những bước phát triển mới với chất lượng chuyên môn ngày càng cải thiện. Việc phần lớn kỷ lục đều được phá ở các môn Olympic như: điền kinh, bắn cung, bắn súng, bơi, lặn và cử tạ, thể hiện sự định hướng đầu tư trọng tâm của ngành thể thao và sự quan tâm đầu tư của các địa phương, ngành tập trung vào các môn cơ bản, đi vào thực chất hơn, không chạy theo thành tích, hình thức.

Tuy nhiên, thể thao Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế và đang phải đối mặt không ít thách thức. Trong khi các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia đang có những bước tiến vượt bậc thì nền tảng là các giải bóng đá chuyên nghiệp, nhất là Giải vô địch quốc gia V-League vẫn chưa có được sự chuyển mình cần thiết, các tiêu cực, sai sót trong điều hành thi đấu, phản ứng thiếu văn hóa và nạn bạo lực sân cỏ vẫn tiếp diễn trong cả mùa giải, gây nên nhiều bức xúc nơi người hâm mộ, khiến lượng khán giả đến sân suy giảm và làm nhà tài trợ chán nản. Công tác đào tạo bóng đá trẻ thiếu đồng đều, vẫn tập trung vào một số trung tâm bóng đá có tiềm lực, phần nào làm giảm cơ hội phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ ở địa phương để từ đó có thể bổ sung cho các câu lạc bộ, tạo đội ngũ kế thừa ở các cấp đội tuyển. Tại Asiad 2018, một số VÐV được tập trung đầu tư và kỳ vọng giành thành tích cao đã không hoàn thành được nhiệm vụ như Hoàng Xuân Vinh không vào được chung kết nội dụng sở trường 10 m súng ngắn hơi nam, VÐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên "trắng" huy chương hoặc VÐV cử tạ Thạch Kim Tuấn chỉ có được tấm HCB… Ngay trong bốn HCV mà chúng ta có được thì có đến hai HCV là từ môn pencak silat của chủ nhà Indonesia đưa vào, trong khi môn này sẽ không có mặt ở kỳ đại hội tiếp theo. Có thể nói, đây là những cảnh báo cho thấy việc đầu tư đào tạo của thể thao thành tích cao của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập mà nguyên nhân đến từ việc thiếu kinh phí khiến VÐV thiếu phương tiện hiện đại hoặc chưa được tập huấn đầy đủ ở các nước có nền thể thao phát triển, qua đó chưa có được nhiều kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu.

Nhìn lại sự kiện thể thao đỉnh cao trong nước như Ðại hội thể thao toàn quốc lần thứ tám - 2018 cũng vậy. Mặc dù có nhiều kỷ lục đại hội, kỷ lục quốc gia được thiết lập, song vẫn chỉ tiệm cận thành tích thể thao khu vực và châu lục, có quá ít các thành tích đặc biệt xuất sắc. Ngay cả những VÐV được coi là niềm hy vọng huy chương của thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế cũng chưa gây được nhiều ấn tượng, thậm chí thành tích còn thua so với chính họ ở các thời điểm trước đó. Trong khi đó, một số kỷ lục có được tại đại hội lại thuộc về những VÐV đã có tuổi tạo nên không ít nỗi lo về lực lượng kế cận ở các môn thi đấu Olympic tại các địa phương.

Duy trì sự phát triển bền vững

Hoạch định rõ ràng chiến lược phát triển bóng đá và các môn thể thao trọng điểm, đào tạo đội ngũ VÐV kế cận mang ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của thể thao Việt Nam trong tương lai. Thực tế cho thấy, sự thành công của bóng đá thời gian qua xuất phát chính từ sự đầu tư cho bóng đá trẻ với cách làm chuyên nghiệp và sự hình thành của những trung tâm đào tạo trẻ trong cả nước bên cạnh việc tạo điều kiện tập huấn quốc tế, tìm kiếm huấn luyện viên giỏi, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tập luyện và chế độ dinh dưỡng, bồi dưỡng lương, thưởng.

Qua những thành công và cả những gì chưa làm được cho thấy thể thao Việt Nam đang cần có một tầm nhìn chiến lược, dài hơi để hướng tới các kỳ đại hội, giải đấu thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới, hướng tới thế hệ VÐV trẻ kế cận và các môn thể thao cơ bản Olympic. Ðó là chiến lược trong năm, 10 năm tới và lâu hơn nữa, mang tính nền tảng, chứ không thể chỉ gọi là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, song vẫn mang tính đối phó, trước mắt và trong ngắn hạn. Hệ thống tuyển chọn VÐV năng khiếu phải thật sự chuyên nghiệp và cần được đầu tư để mở rộng từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm cho việc tìm kiếm, phát hiện sớm các tài năng trẻ và đào tạo họ một cách bài bản, khoa học từ nhỏ, qua đó tăng cường tố chất thể lực và khả năng tiếp thu kỹ thuật mà ở đây thể thao học đường giữ vai trò vô cùng quan trọng, tác động tới tính chuyên nghiệp của thể thao thành tích cao.

Hiện tại, ngành thể thao nên phối hợp các địa phương rà soát lực lượng và chọn ra các môn, các nội dung thế mạnh để đầu tư trọng điểm cho từng lộ trình đại hội kế tiếp nhau theo một tầm nhìn dài hạn từ các tài năng trẻ, xác định rõ các môn và những VÐV cụ thể được đầu tư dài hạn ở các môn Olympic. Huy động những nguồn lực sẵn có và nguồn xã hội hóa để đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tập luyện, tổ chức tập huấn và thi đấu quốc tế để nâng cao thành tích, tạo dựng bản lĩnh cho VÐV, tiến hành cân đối lại việc đầu tư cho các mục tiêu thể thao khu vực, châu lục hay thế giới. Ðồng thời làm tốt công tác giám sát, kiểm tra huấn luyện, tránh việc buông lỏng quản lý, đầu tư không đúng hướng, gây lãng phí. Chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cũng nên được quan tâm đặc biệt, giúp đời sống của VÐV ngày một cải thiện, nâng cao và yên tâm cống hiến.