Đội tuyển vật, bóng bàn: Kỳ SEA Games khó khăn

Thứ Sáu 9:50 23/08/2019
Trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần thứ 30 năm 2019 (diễn ra vào cuối tháng 11 tới), đội tuyển vật và bóng bàn vẫn gây chú ý nhất định. Không chỉ vì từng đóng góp nhiều huy chương vàng cho thể thao Việt Nam qua nhiều kỳ SEA Games mà hai môn trên còn mang đến nhiều bài học về cách chọn lựa nhân sự. Ngay trong kỳ SEA Games này cũng vậy...

 

Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang của đội tuyển bóng bàn quốc gia.

Kỳ SEA Games nhiều thách thức

Tại SEA Games lần thứ 30, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành vị trí thứ Ba toàn đoàn. Sẽ rất khó khăn để giành vị trí này khi Thái Lan và nước chủ nhà Philippines hầu như sẽ chia sẻ hai vị trí dẫn đầu. Cuộc đua vào vị trí thứ Ba đương nhiên là cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam, Malaysia, Indonesia và phần nào là Singapore.

Để giành vị trí thứ Ba, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ trông cậy vào nhiều môn thế mạnh trong đó có vật và cả bóng bàn. Tuy nhiên, những môn này cũng trong tình trạng như nhiều môn mũi nhọn khác của thể thao Việt Nam, đó là bị cắt giảm nhiều nội dung thi đấu thế mạnh tại SEA Games 30.

Từ sau SEA Games năm 2013, môn vật đã không góp mặt trong hai kỳ SEA Games tiếp theo. Phải đến kỳ SEA Games 30 tới ở Philippines, môn vật mới lại góp mặt bởi Philippines cũng là một trong những quốc gia mạnh về môn này trong khu vực. Ưu thế của vật Việt Nam tại Đông Nam Á, đặc biệt tại các kỳ SEA Games, đã được chứng tỏ trong nhiều năm qua. Nhờ vậy, vật luôn là “mỏ” huy chương vàng của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Tại SEA Games tới, dù xuất hiện trong chương trình thi đấu song môn vật chỉ có 14 nội dung thi đấu (6 hạng cân nội dung cổ điển, 3 hạng cân vật tự do nữ, 5 hạng cân vật tự do nam).

Nhiều hạng cân thế mạnh của vật Việt Nam không có cơ hội tranh tài như 48kg tự do nữ, 74kg tự do nam... Điều đó khiến cơ hội đóng góp huy chương vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam của đội vật bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, tiềm lực và lợi thế sân nhà của các đô vật Philippines cũng khiến giới chuyên môn Việt Nam lo ngại. Như chia sẻ của ông Đới Đăng Hỷ - nguyên Trưởng bộ môn Vật Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội thì không thể xem thường các đô vật Philippines, vốn là đối trọng của vật Việt Nam trong nhiều kỳ SEA Games. Được thi đấu trên sân nhà, các đô vật Philippines sẽ không bỏ qua lợi thế này để có thể giành ngôi vô địch ở một số hạng cân.

Trong khi đó, đội bóng bàn nam không có cơ hội bảo vệ ngôi vô địch đồng đội nam tại kỳ SEA Games tới do nội dung này không trong chương trình thi đấu. Tại SEA Games 30 sẽ chỉ có 4 nội dung thi đấu thay vì 7 nội dung như nhiều kỳ SEA Games trước. Đấy là chuyện chẳng lạ ở sân chơi thể thao này. Thậm chí còn là may khi bóng bàn vẫn trong chương trình thi đấu dù ít nội dung. Nếu nước chủ nhà không chọn lựa tổ chức môn bóng bàn thì các đoàn khác cũng phải chịu, như chuyện môn thể dục dụng cụ, vật... từng không được tổ chức tại một số kỳ SEA Games trước đây. Đáng chú ý, cơ hội để bóng bàn Việt Nam giành huy chương vàng ở 4 nội dung này (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ) không cao, nhưng đã vào cuộc chơi bóng bàn Việt Nam đành chấp nhận và chỉ hy vọng tạo đột biến ở nội dung đôi nam.

Bài toán khó trong khâu tuyển chọn

Đầu tháng 9 tới, các đoàn tham dự SEA Games 30 sẽ phải chốt danh sách tham dự chính thức. Đến lúc này, đội tuyển vật và bóng bàn đã được tập trung để chuẩn bị cho SEA Games. Cách đây 8 - 10 năm, đội tuyển vật từng gây chú ý khi gần đến SEA Games lại nảy ra thắc mắc về cách tuyển chọn nhân sự. Vấn đề là do không có tiêu chí tuyển chọn rõ ràng nên mới nảy ra những thắc mắc, khiến Đoàn Thể thao Việt Nam đành bổ sung nhân sự vào phút chót. Đến kỳ SEA Games năm 2013, mọi chuyện mới yên ả khi tiêu chí tuyển chọn đã rõ ràng hơn.

Sau môn vật, lại đến đội tuyển bóng bàn gây chú ý về việc chọn lựa nhân sự trước các kỳ SEA Games năm 2013 và 2015. Vấn đề không mới, cũng vẫn nằm ở tiêu chí tuyển chọn không rõ ràng, dẫn đến việc vận động viên thắc mắc. Thậm chí Tổng cục Thể dục Thể thao đã phải để đội tuyển bóng bàn tổ chức thi đấu nội bộ để tuyển chọn vận động viên tham dự SEA Games. Tay vợt kỳ cựu Đinh Quang Linh từng phản đối cách tuyển chọn mang tính đường đột này nên đã không tham dự, chấp nhận mất suất tham dự SEA Games năm 2013. Cũng phải đến kỳ SEA Games năm 2017, việc tuyển chọn nhân sự ở đội tuyển bóng bàn dự SEA Games mới bớt ồn ào do quy chế tuyển chọn đã được công bố từ đầu năm.

Dù vậy, trước kỳ SEA Games năm 2019 này, do số nội dung thi đấu bị cắt giảm nên cách tuyển chọn nhân sự đội tuyển bóng bàn cũng thay đổi. Đội tuyển được đăng ký tối đa 4 tay vợt nam, 4 tay vợt nữ thay vì 5 nam, 5 nữ như các kỳ SEA Games trước. Theo đó, thành tích tại Giải vô địch quốc gia năm 2019 chỉ là một trong những tiêu chí tuyển chọn. Quyết định cuối cùng sẽ thuộc về chuyên gia nước ngoài và Ban huấn luyện đội tuyển.

Còn ở môn vật, tất cả cũng đang chờ đợi danh sách chính thức của đội tuyển khi tiêu chí quan trọng nhất là phong độ của các tuyển thủ được xem trọng chứ không phải là thành tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 hay Giải vô địch quốc gia năm 2019. Quyết định chọn lựa cũng sẽ thuộc về chuyên gia ngoại và Ban huấn luyện đội tuyển. Tuy nhiên, cái gọi là “phong độ” của các tuyển thủ cũng cần được làm rõ và thuyết phục được giới chuyên môn, để tránh những thắc mắc không đáng có.

Ở một sân chơi vừa sức, lại dễ mang về những lợi ích cho nhiều vận động viên Việt Nam như SEA Games thì việc tuyển chọn vận động viên lại càng cần cẩn trọng. Tất cả cũng vì mục tiêu giúp thể thao Việt Nam tập trung cao độ chuẩn bị cho SEA Games thay vì sa vào những ồn ào không đáng có.