Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở lưu trú:

Việc làm quan trọng và cần thiết!

Thứ Năm 10:02 28/06/2018

Thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 – 2020, trong 2 quý (Quý 1 và 2), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên đã triển khai điều tra thu thập số liệu thống kê về tình hình sử dụng năng lượng đối với 46 nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã đánh giá thực tế về tình trạng sử dụng năng lượng của các cơ sở lưu trú và đưa ra các khuyến cáo để các cơ sở này áp dụng vào công trình để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình hoạt động.

Hiện nay, tổng diện tích mặt sàn của các tòa nhà tại Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, trong đó hệ thống các công trình tòa nhà thương mại, phi thương mại, khách sạn, nhà nghỉ… mọc lên khá nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, khi số lượng dân cư, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở đô thị tăng thì số lượng công trình cần xây dựng cũng sẽ tăng để đáp ứng kịp nhu cầu. Để xây dựng và vận hành những công trình mới này sẽ cần tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Vì vậy, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên cần có các biện pháp thiết thực nhất; trong đó cần quan tâm xây dựng các mô hình sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, phổ biến các thiết bị có hiệu quả năng lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng cho các công trình, cơ sở lưu trú; vừa góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để thực hiện sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tại các nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên đã đề xuất một số giải pháp rất thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Trong đó, kiến trúc và lớp vỏ công trình là yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng rất lớn, góp phần dự trữ nhiệt, làm mát, thông gió mong muốn, tải nhiệt hay sự xâm nhập của ánh sáng ban ngày; đó là nhân tố quyết định đến một công trình có sử dụng hiệu quả năng lượng hay không? Tất cả các kết cấu phần vỏ (tường bao quanh, mái che) của công trình đều ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng chính của các toà nhà. Vì vậy, đơn vị khuyến cáo chủ các cơ sở lưu trú nên thiết kế lớp vỏ công trình với kết cấu che nắng, các cửa sổ có hệ số hấp thụ nhiệt mặt trời (SHGC), cách nhiệt (bằng cách sử dụng lớp đệm kín không khí) và các cửa sổ lắp kính kép (hai lớp) low-e là để tiết kiệm năng lượng; sử dụng tường cách nhiệt và các vật liệu có hệ số phản xạ mặt trời, phát xạ cao để xây dựng.

Đối với hệ thống cơ điện, gồm có: Hệ thống điều hòa không khí, thông gió; hệ thống hệ thống thang máy, thang cuốn và hệ thống chiếu sáng ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiêu thụ năng lượng của một tòa nhà nên khi lắp đặt tại các nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn, chủ đầu tư cần lưu ý:  

I. Hệ thống điều hòa không khí, thông gió

1. Đối với hệ thống điều hòa không khí

- Hiệu suất thiết bị: Thiết bị điều hòa không khí và máy sản xuất nước lạnh phải có các chỉ số hiệu quả COP tối thiểu tại các điều kiện đánh giá tiêu chuẩn và không nhỏ hơn các giá trị nêu sau:

+ Sử dụng hệ thống điều hòa chiller có chỉ số COP ≥ 3,1

+ Sử dụng hệ thống điều hòa VRV/VRF có chỉ số COP ≥ 2,96 điểm.

+ Sử dụng hệ thống điều hòa không khí cục bộ có chỉ số COP ≥ 2,3.

- Kiểm tra và điều chỉnh: quạt hay máy bơm có công suất từ 5 mã lực (3,7 kW) trở lên phải điều chỉnh lưu lượng thiết kế của máy thông qua việc điều chỉnh số vòng quay bằng sử dụng bộ truyền đa tốc độ, động cơ hai tốc độ hoặc dùng biến tần (VSD). Hạn chế việc điều chỉnh lưu lượng của quạt và bơm bằng van tiết lưu.

- Điều khiển quạt tháp giải nhiệt : các tháp giải nhiệt với động cơ quạt có công suất từ 5 mã lực (3,7 kW) trở lên phải sử dụng bộ truyền đa tốc độ, động cơ hai tốc độ hoặc biến tần (VSD).

2. Đối với hệ thống thông gió

a) Hệ thống thông gió tự nhiên:

+ Các vùng không gian được xem là có thông gió tự nhiên nếu chúng thỏa mãn các yêu cầu sau:

+ Các lỗ thông gió, cửa sổ có thể mở được ra bên ngoài với diện tích không nhỏ hơn 5% diện tích sàn. Người sử dụng dễ dàng tiếp cận được với các lỗ thông thoáng này.

+ Phải có các lỗ thông gió có thể mở được phía trên trần nhà hoặc trên tường đối diện với nguồn gió từ bên ngoài. Các lỗ thông gió đó có tỷ lệ diện tích mở được không nhỏ hơn 5% so với diện tích sàn. Người sử dụng có thể tiếp cận dễ dàng các lỗ cửa thông gió này và chúng phải trực tiếp thông ra bên ngoài qua các lỗ mở có diện tích tương đương hoặc lớn hơn.

+ Tổng diện tích các cửa thoát gió không nhỏ hơn tổng diện tích các cửa đón gió.

b) Hệ thống thông gió cơ khí:

+ Cảm biến CO2: phải được lắp đặt để làm tăng lượng gió cấp vào các không  gian với tiêu chuẩn diện tích thiết kế nhỏ hơn 3 m2/người.

+ Thiết bị điều khiển hẹn giờ tự động: các quạt thông gió hoạt động không thường xuyên phải có các đồng hồ đo thời gian hoặc các thiết bị điều khiển tự động có thể xác định thời điểm và khoảng thời gian làm việc của chúng.

II. Đối với hệ thống chiếu sáng

Ngoài việc sử dụng các bóng đèn compac, led để tiết kiệm điện thì yếu tố về mật độ, công suất chiếu sáng tính trung bình (LPD) cho toàn bộ công trình không được vượt quá mức tối đa cho phép nêu trong bảng dưới đây. Mật độ công suất chiếu sáng trung bình của tòa nhà được tính bằng tổng số công suất chiếu sáng công trình chia cho tổng diện tích có người sử dụng.

 

Loại công trình

LPD (W/m2)

Văn phòng

11

Khách sạn

11

Bệnh viện

13

Trường học

13

Thương mại, dịch vụ

16

Chung cư

8

Khu đỗ xe kín, trong nhà, trong hầm

3

Khu đỗ xe ngoài nhà hoặc đỗ xe mở (chỉ có mái)

1,6

Bảng:Yêu cầu về Mật độ công suất chiếu sáng trung bình của tòa nhà

Các dạng công trình khác có quy mô thuộc diện điều chỉnh của Quy chuẩn mà không có trong danh sách ở bảng trên thì được lấy trị số mật độ công suất chiếu sáng tối đa tới 13 W/m2.

III. Đối với hệ thống thang máy, thang cuốn

a) Thang cuốn

- Thang cuốn phải có thiết bị điều khiển để giảm tốc hay dừng khi không có người qua lại. Thang cuốn phải có một trong những tính năng tiết kiệm năng lượng, như:

+ Điều khiển giảm tốc: thang cuốn phải chuyển sang chế độ chạy chậm sau khi không có người qua lại tối đa 3 phút. Phải có thiết bị cảm biến quang điện kích hoạt đặt ở đầu và cuối khu vực thang.

+ Sử dụng khi có nhu cầu: thang cuốn phải tự tắt sau khi không có người qua lại tối đa 15 phút. Thang cuốn sử dụng khi có nhu cầu phải được thiết kế với công nghệ khởi động mềm tiết kiệm năng lượng. Thang cuốn phải tự động chạy khi cần. Việc kích hoạt được thực hiện bằng tế bào quang điện lắp ở đầu và cuối khu vực thang.

b) Thang máy

- Thang máy phải có thiết bị điều khiển để giảm mức sử dụng năng lượng. Để đáp ứng yêu cầu này, những tính năng sau phải được tích hợp vào thang máy loại sử dụng lực kéo:

+ Sử dụng động cơ điện xoay chiều đa thế, đa tần trên thang máy không có thiết bị thủy lực.

+ Buồng thang máy sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng hiển thị cần  bảo đảm hiệu suất phát sáng trung bình đối với tất cả các thiết bị bên trong. Độ rọi trung bình >55 lumen/W, đèn cần được tự động tắt sau khi thang máy ngừng hoạt động tối đa 5 phút.

+ Thang máy hoạt động ở chế độ không tải trong giờ thấp điểm. Ví dụ, nguồn cấp điện cho hệ thống điều khiển thang máy và các thiết bị vận hành khác như đèn trong buồng thang máy, màn hiển thị, quạt thông gió tự tắt sau khi thang ngừng hoạt động tối đa 5 phút.

IV. Đối với thiết bị, đồ gia dụng.

            1.Tủ lạnh: Tiêu thụ khoảng 20% lượng điện so với tất cả các đồ gia dụng trong gia đình, không nên để nhiệt độ quá lạnh và đảm bảo chế độ tiết kiệm điện luôn được bật. Kiểm tra các miếng đệm xung quanh cửa tủ để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ và khít.

            2. Máy giặt: nên đặt ở chế độ nước ấm hoặc lạnh, không để chế độ giặt nước nóng, sử dụng máy giặt lồng ngang sẽ tiết kiệm nước hơn máy giặt lồng đứng.

            3. Giảm nhiệt độ của bình đun nước nóng: Không nên để chế độ nóng max, khuyến cáo nên sử dụng hệ thống đun nước nóng năng lượng mặt trời.

            4. Nên chọn những sản phẩm tiết kiệm năng lượng khi thay thế đồ gia dụng cũ: Nên chọn mua sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình và có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

         Trên đây là một số giải pháp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng mà Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên đã đề xuất để các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh áp dụng vào từng công trình cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát hiệu quả sử dụng năng lượng tại 46 công trình, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên đã nhận thấy rằng, hiện nay, nhiều công trình dự kiến triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về tài chính nên mong các cơ quan quản lý nghiên cứu các phương án hỗ trợ tài chính cho các chủ đầu tư nhằm thúc đẩy việc triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng. Để thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng, cần sớm thúc đẩy việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD và tới đây sẽ là QCVN 09:2017/BXD và cơ sở dữ liệu về các công trình xây dựng cần được cập nhật thông tin hàng năm nhằm phục vụ xây dựng tiêu chuẩn cho các loại hình tòa nhà đồng thời đánh giá sự thay đổi về hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà.

        Với những biện pháp và những đề xuất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên, hy vọng các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh sớm áp dụng vào các công trình xây dựng lớn, để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng ngày càng phát triển rộng rãi và phổ biến hơn tại Điện Biên.