Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Ðiện Biên

Chuyển biến có, khó khăn nhiều

Thứ Sáu 9:57 01/12/2017
ĐBP - Ðánh giá của UBND tỉnh sau 4 năm thực hiện nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) tại tỉnh ta, đã có những chuyển biến tích cực; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần sự nỗ lực của tỉnh, sự quan tâm về thể chế, chính sách và cả đầu tư cơ sở vật chất của các bộ, ngành để Ðiện Biên thực hiện nghị quyết tốt hơn trong thời gian tiếp theo...

Chúng tôi về xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) vào những ngày cuối tháng 11/2017. Khác xa so với cách đây 3 - 4 năm, đường làng ngõ xóm ở Thanh Chăn đã khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều nhà mới, xe mới, máy nông cụ hiện đại... Vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh, 1 trong 11 xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước; hiện nay Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Chăn nỗ lực để duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí chưa thực sự bền vững, đòi hỏi ý thức trách nhiệm thường xuyên của mỗi người dân, như là vấn đề nước sạch, môi trường nông thôn... 

 

Cán bộ kiểm lâm huyện Ðiện Biên tuyên truyền về quản lý, chăm sóc rừng, bảo vệ môi trường cho người dân xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Nguyễn Hiền

Cũng liên quan đến vấn đề tài nguyên, môi trường; có một điển hình mà chúng tôi đã mục sở thị đó là câu chuyện bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường nông thôn ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ). Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng bộ xã chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện hiệu quả việc bảo vệ rừng nhờ xây dựng được hương ước quy ước về quản lý, bảo vệ rừng rõ ràng, rành mạch; thực hiện chúng nghiêm túc, công bằng; người dân được hưởng lợi thực sự từ rừng nhờ khai thác lâm thổ sản phụ và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng...”. Việc xây lò đốt rác, nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn ở Chà Nưa cũng được thực hiện suôn sẻ với hàng trăm lò đốt rác, nhà tiêu hợp vệ sinh mà chưa cần đến đầu tư của Nhà nước. Ðảng bộ xã đề ra nghị quyết, mỗi năm tăng tỷ lệ che phủ rừng 2,85%, nhưng chỉ riêng 2016 diện tích rừng của Chà Nưa đã tăng 6% so với năm 2015...

Có thể nói, không khó để dẫn chứng về những chương trình hành động và chuyển biến sau thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 6/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (gọi tắt là NQ 24) tại tỉnh Ðiện Biên thời gian qua. Bởi ngay sau khi Chính phủ có chương trình hành động thực hiện NQ 24; ngày 6/6/2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðiện Biên đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn. Ðể từng bước đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, các chủ trương, chính sách, thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu đã được đưa đến người dân một cách kịp thời; tiêu chí môi trường được đưa vào chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo về môi trường đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tiến hành. Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn trung ương đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường. Các hoạt động ứng dụng và chuyển giao giải pháp về công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường được thực hiện tích cực. Công tác quan trắc, dự báo các biểu hiện bất thường của khí hậu, thời tiết để chủ động ứng phó nhất là mưa đá, lũ lụt, góp phần giảm nhẹ thiên tai... cũng được các ngành chức năng, chuyên môn phối hợp làm tốt. Việc đầu tư cho môi trường cũng được huy động từ nhiều nguồn và quản lý, sử dụng hiệu quả...

Sau 4 năm triển khai NQ 24; toàn tỉnh đã tổ chức 35 cuộc mít tinh hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường tại 7/10 huyện, thị, thành phố với hơn 100.000 nghìn lượt người tham gia; cấp phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 3 hội nghị cấp tỉnh, 7 cấp huyện tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổng kinh phí sự nghiệp cho môi trường giai đoạn 2013 - 2017 là gần 203.753 triệu đồng và đều được quản lý, sử dụng hiệu quả. Các nguồn thu từ đất đai (thuế sử dụng đất, thuê đất, các loại phí...) từ ngày Luật Ðất đại năm 2013 có hiệu lực đến nay đạt khoảng trên 354.045 triệu đồng. Tỉnh ta cũng cơ bản hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo Kế hoạch 388/KH-UBND tỉnh. Tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động về BVMT đối với các cơ sở doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất; đã có 870 trường hợp được thanh, kiểm tra; lập 180 biên bản nhắc nhở và yêu cầu hoàn thiện; lập biên bản vi phạm hành chính 72 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 730 triệu đồng. Ðã xử lý 2/4 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (Bệnh viện Ða khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh); 2 cơ sở còn lại (bãi rác Noong Bua và hệ thống xử lý nước thải thành phố) đang thực hiện các giải pháp xử lý...

Cùng với đó, thời gian qua tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 60 báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo bổ sung, 1 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, 10 đề án BVMT chi tiết, 27 dự án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoán sản; cấp 117 số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; thẩm định và xác nhận 755 bản cam kết BVMT, 120 đề án BVMT; 87 dự án cải tạo phục hồi môi trường và 150 bản kế hoạch BVMT...

Dù đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các chương trình, giải pháp thực hiện hiệu quả NQ 24, song việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, nhận thức là một trong những vấn đề cần lưu tâm. Vẫn còn cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề tài nguyên, môi trường, khí hậu. Ðiều này dẫn đến tuyên truyền, vận động chung chung; không hướng dẫn nhân dân phân loại rác thải tại nguồn; chưa nghiêm khắc, quyết liệt để phát hiện và xử lý vi phạm... Một bộ phận nhân dân chưa có ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến xả rác bừa bãi, chưa có ý thức sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; việc nâng cao tinh thần giám sát và tố giác vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường chưa cao. Cùng với đó, góp phần không nhỏ làm cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, BVMT trở nên khó khăn hơn đó là hệ thống xử lý nước thải, rác thải của một số doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, chưa được đầu tư nâng cấp; vẫn còn tình trạng xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm...

Tại báo cáo sau 4 năm thực hiện NQ 24, để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới; ngoài các giải pháp cụ thể, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cả nước; xem xét bổ sung Ðiện Biên vào quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020, đồng thời hỗ trợ đầu tư hệ thống quan trắc tự động. Ðã được hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 bãi xử lý rác thải cho huyện Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông; thời gian tới, Ðiện Biên đề nghị Quỹ BVMT Việt Nam tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải tại huyện Mường Chà và Nậm Pồ...