Chọn vấn đề người dân quan tâm để giám sát

Thứ Năm 8:46 23/05/2019
ĐBP - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QÐ/TW và Quyết định số 218-QÐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động trong công tác giám sát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, những vấn đề người dân quan tâm.

 

Lãnh đạo UBND phường Him Lam báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại buổi giám sát của MTTQ TP. Điện Biên Phủ.

Ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Các vấn đề tập trung giám sát trong thời gian qua liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Việc thực hiện Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường… Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức 213 cuộc giám sát (trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh giám sát 196 cuộc, các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát 17 cuộc). Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 10 cuộc giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát, điển hình như: Giám sát việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; việc thực hiện pháp luật về công khai kết luận thanh tra...; chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp lựa chọn nội dung giám sát và hình thức giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Cũng trong thời gian đó, MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức 31 cuộc giám sát; MTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức 155 cuộc giám sát; đồng thời tích cực giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân (930 cuộc giám sát), ban giám sát đầu tư của cộng đồng (836 cuộc giám sát). Hoạt động giám sát hiệu quả của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần quan trọng phát huy dân chủ từ cơ sở, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, đầu tư sai quy hoạch, sai quy định...

Tại huyện Mường Nhé, Quyết định số 217-QÐ/TW và Quyết định số 218-QÐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) được MTTQ huyện tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. 5 năm qua, MTTQ huyện đã chủ trì tổ chức 3 cuộc giám sát; phối hợp với Thường trực HÐND, các ban của HÐND huyện, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, các đoàn thể huyện tổ chức 20 cuộc giám sát theo chuyên đề về một số lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, như: việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công; kinh phí hoạt động của ban công tác mặt trận, các hội đoàn thể và khu dân cư trên địa bàn; việc triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo; giám sát dự án xây dựng các công trình trên địa bàn… Còn tại TP. Ðiện Biên Phủ, thông qua hoạt động giám sát tại cộng đồng của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhiều vụ việc kịp thời được phát hiện, kiến nghị giải quyết. Ðơn cử, cuối năm 2017 các tổ dân phố 1, 2, 3 (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) khởi công làm đường bê tông. Qua giám sát của người dân và các thành viên trong Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện nhà thầu đổ độ dày đường không đúng yêu cầu (thay vì tiêu chuẩn là 20cm thì chỉ đổ 15cm). Sự việc được phát hiện và phản ánh kịp thời khi đoạn đường mới đổ được gần 2m, nhà thầu đã phải làm lại theo đúng thiết kế; đồng thời cam kết thi công đảm bảo chất lượng.

Ông Lò Văn Mừng khẳng định, thời gian qua các chương trình giám sát được thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình giám sát, có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện giữa UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn và ủy ban MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh. Công tác giám sát được thực hiện khoa học, theo kế hoạch, nội dung giám sát cụ thể. Trong quá trình thực hiện chủ động nêu ra những khó khăn, hạn chế; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách. Qua hoạt động giám sát, MTTQ các cấp đã phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc thực hiện có hiệu quả các cuộc giám sát đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ tỉnh và các thành viên trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước.