Di sản văn hóa phi vật thể ở Mường Nhé

Thứ Hai 0:00 04/01/2016
ĐBP - Trong chuyến công tác tại huyện Mường Nhé, chúng tôi có dịp đi cùng các cán bộ văn hóa huyện đến một số thôn, bản thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Vừa đi, ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện vừa giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào từ dân tộc Hà Nhì, Mông, Thái đến dân tộc Kháng, Cống, Si La…

Trang phục truyền thống của dân tộc Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Vượt quãng đường hơn 30km từ trung tâm huyện, chúng tôi đến bản Nậm Sin, xã Chung Chải khi những tia nắng cuối ngày sắp tắt. Chiều về, cũng như ở các bản làng vùng cao khác trên địa bàn huyện, những lời ru nhẹ nhàng, giản dị lại vang lên ở Nậm Sin: “Con ơi con hãy ngủ đi, ngủ cho nhanh. Thần ngủ hãy về gọi con đi. Cha mẹ không bế nữa, con hãy mau lớn… Ngủ đi con, con hãy ngủ cho ngoan, con ngủ rồi, mẹ nấu cơm, chăn lợn gà. Con ơi đời mẹ khổ, đời cha nghèo. Ngày làm nương rẫy, lưng phơi nắng. Để thêm ngô lúa, thêm của cải cho con. Ngủ đi con, con hãy ngủ đi...” Cùng một bài hát ru, nhưng mỗi bà, mỗi mẹ, chị em dân tộc Si La lại có cách hát, cách thể hiện riêng, song đều thấm đượm tình cảm yêu thương, giản dị. Bài hát chứa đựng những giai điệu xuất phát từ thực tế cuộc sống trên nương rẫy vất vả nên người nghe cảm thấy như đang hối thúc con cháu ngủ nhanh để ông bà, bố mẹ còn đi làm. Ca từ mộc mạc, giản dị và gần gũi quen thuộc đó không chỉ riêng với đồng bào dân tộc Si La ở Chung Chải mà còn với người Hà Nhì ở xã Sín Thầu như lời bài hát: “Con yêu ơi con hãy ngủ đi, để mẹ đi lên rừng hái củi, hái măng, mẹ chưa về thì con đừng dậy, mẹ chưa về thì con đừng khóc. Khi nào về mẹ hái quả, chặt cây mía về đón”.

Trong những ngày cuối năm, gác lại những lo toan, bộn bề công việc đồng áng, bà con nơi nơi lại háo hức chuẩn bị đón tết. Mỗi dịp xuân về, những bài cúng, lời khấn lại được người dân thể hiện và truyền dạy cho con, cháu... Lễ vật gồm nông sản và con vật hiến tế, lễ to hay nhỏ tùy thuộc vào tính chất, quy mô của từng công việc, sự kiện tổ chức. Người cúng là thầy mo, thầy cúng hay chủ nhà. Bao đời nay, người Mông ở các bản vùng cao vẫn lưu truyền bài cúng tổ tiên vào dịp tết Nguyên Đán: “Năm nay hết 365 ngày, gồm một con gà, năm que hương, cắt một chùm giấy để cúng bàn thờ tổ tiên về nhận hương và giấy, một con gà sau đó là mổ. Một bát cơm, một chén rượu, năm que hương, chùm giấy để đốt, cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình, con cháu năm nay làm ăn phát đạt, phù hộ cho con cháu đi lại không gặp tai họa, ốm”. Với ý nghĩa đó, bài cúng cầu mong những đều tốt đẹp và sự may mắn cho gia chủ trong năm mới.

Kho tàng văn hóa phi vật thể ở Mường Nhé còn phong phú ở âm nhạc cổ truyền. Hiện nay, các nhạc cụ thường được bà con sử dụng như: Trống, chiêng, khèn, sáo, đàn trong hoàn cảnh và mục đích khác nhau. Để chế tạo ra nhạc cụ, họ thường tận dụng nguyên liệu sẵn có. Mặt trống được làm bằng da trâu phơi khô, thân trống làm từ một loại gỗ lấy từ trong rừng, chiêng làm bằng đồng. Bên cạnh trống, đàn tính (tính tẩu) được làm từ quả bầu, cần đàn làm bằng cây gỗ. Bao đời nay, đàn tính được đồng bào dân tộc Thái dùng đệm hát trong các bài hát dân ca, hoặc đánh đàn để làm nhạc múa trong các điệu múa truyền thống dân tộc. Còn sáo được làm từ ống tre, ống trúc hay ống nứa, được thổi bằng hơi, được dân tộc Thái, Mông, Dao, Si La… trong những dịp lễ hội. Đặc biệt, với người Mông, khèn giống như cơm ăn nước uống, theo họ đi khắp nơi, khi lên nương, lúc xuống chợ, vào ngày hội vui cũng như ngày buồn.

Ngồi lật giở 40 trang báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, chúng tôi mới thấy Mường Nhé quả thực có kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao cộng với sự giao thoa giữa các nền văn hóa hiện đại, song đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ gìn và bảo tồn được những phong tục tập quán, lễ hội của dân tộc mình. Bấy nhiêu thôi chưa thể đong đếm hết kho tàng văn hóa phi vật thể của huyện. Song với tổng số 83/95 bản, 9/10 dân tộc được kiểm kê thì bức tranh toàn cảnh về văn hóa mới thực sự phong phú, đa dạng. Ông Vũ Tiến Hưng khẳng định: Trên cơ sở đó, Ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Mường Nhé đã nghiên cứu và lựa chọn ra được một số di sản tiêu biểu như: Tết cổ truyền (Khồ sừ chà), múa (Cá nhi nhi), lễ cúng bản (Gạ ma thú) của dân tộc Hà Nhì; lễ cúng cơm mới, lễ cưới, lễ cúng tổ tiên của người dân tộc Thái; lễ cúng tổ tiên của người Cống. Đơn vị đề nghị Ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh đưa vào danh mục di sản tiêu biểu chung của tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đây được coi là bước đệm quan trọng trong chặng đường giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.