Múa xòe, loại hình văn hóa tiêu biểu

Thứ Sáu 0:00 27/05/2016
ĐBP - Vậy là đã gần 3 năm kể từ ngày Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ban hành Quyết định 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013, về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 4, trong đó có nghệ thuật xòe Thái của tỉnh Điện Biên. Hôm nay, nhắc lại chuyện này, họa sỹ Trần Như Hoa - Phó phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên) - như còn nguyên vẹn niềm hứng khởi của những ngày đầu ông cùng đồng nghiệp bận rộn việc xây dựng hồ sơ...

Ngày ấy, ông Trần Như Hoa với vai trò là Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên), được giao nhiệm vụ cùng anh em trong bộ phận nghiên cứu các bước theo quy trình, để tiến tới đề nghị  ngành chủ quản ra quyết định công nhận nghệ thuật xòe Thái của Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ khoa học nghệ thuật xòe Thái. Trong đó, tại mỗi huyện kiểm kê 2 xã, mỗi xã 2 bản. Riêng thị xã Mường Lay tổ chức kiểm kê tại 6 bản và bước đầu thu được kết quả rất khả quan.

Vòng xòe Điện Biên.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên, Phòng Di sản Văn hóa đã chọn thị xã Mường Lay là địa bàn chính để tổ chức nghiên cứu thực địa. Triển khai nhiệm vụ, trong vòng gần một năm trời Phòng Di sản Văn hóa đã tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát về một số địa bàn có đông đồng bào Thái sinh sống, trong đó, nhiều nhất là về thị xã Mường Lay. Hôm nay, nói về những công việc cụ thể, ông Trần Như Hoa bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, để có cơ sở dữ liệu cho việc lập hồ sơ khoa học nghệ thuật xòe Thái, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã lập phiếu kiểm kê tại 9/10 huyện, thị, thành phố đồng thời trực tiếp tiến hành điều tra, phỏng vấn, ghi hình nghệ thuật xòe tại thị xã Mường Lay - nơi ghi dấu về sự phát triển của nghệ thuật xòe. Việc điều tra, phỏng vấn để có cơ sở xác minh nguồn gốc, quá trình ra đời, tồn tại của di sản nghệ thuật xòe Thái; hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản nghệ thuật xòe Thái.

Theo ông Trần Như Hoa: Qua điều tra, phỏng vấn những người cao tuổi cho thấy việc xác định chính xác về nguồn gốc, thời điểm xuất hiện xòe là một vấn đề rất khó khăn cần có thời gian kết hợp với việc thu thập tài liệu và chứng cứ. Đa số bà con chỉ biết loại hình nghệ thuật này ra đời xuất phát từ nhu cầu của con người muốn được thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc. Kết quả điều tra của ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch còn cho thấy xòe có giá trị đặc trưng của dân tộc Thái là xòe vòng bắt nguồn từ trong lễ Xên Pang (Lễ tạ ơn), mọi người cầm tay nhau nhảy múa xung quanh mâm cúng, sau đó phát triển thành điệu xòe quanh cây nêu, quanh đống lửa như ngày nay. Theo một số nhà nghiên cứu về múa dân gian của tỉnh Điện Biên cho rằng xòe vòng được hình thành sau khi các hệ thống múa cơ bản đã ra đời và những động tác đã được định hình, trên cơ sở đó động tác của điệu xòe được đơn giản hóa, được cô đọng và hội tụ trên tất cả các động tác cơ bản của múa dân gian truyền thống. Cũng có thể để thỏa mãn tính đại chúng, các nghệ nhân xưa đã cải biên và lược bớt để đơn giản hóa những động tác múa, tạo nên một động tác xòe thật đơn giản cho phù hợp với tính chất của sinh hoạt văn hóa cộng đồng để nhiều người cùng tham gia.

Như chúng ta đều biết, tại các làng bản dân tộc Thái, xòe thường diễn ra trong dịp tết nguyên đán, mừng nhà mới, hội Hạn Khuống, lễ mừng cơm mới, trong đám cưới, lễ xên bản, khi có khách quý, trong sinh hoạt văn hóa tại các cơ quan, trường học, những ngày lễ của địa phương, trong tuần văn hóa du lịch và các hội thi, hội diễn... Đặc điểm về đội hình xòe vòng là mọi người xếp hàng đứng múa thành vòng tròn nắm tay nhau, vòng xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau. Về động tác của điệu xòe Thái gồm 2 bước chính và 2 bước phụ. Bước thứ nhất tiến, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước dậm nhẹ rồi lùi chân sau, chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Cùng với nhịp chân, cánh tay được nắm chặt vào nhau rồi nâng lên hạ xuống tiến hành đồng thời phụ họa với bước chân dậm, lúc tiến, lúc lùi theo nhịp của trống, của nhạc. Các động tác cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần và vòng xòe dần dần được mở rộng bởi mỗi lúc mọi người đến xòe một đông. Khi vòng xòe được chuyển động từ trái sang phải thì bước chân phải trước, dậm chân trái theo rồi lùi chân trái về, chân phải trở về dậm nhịp tại vị trí bên trái. Ngược lại, nếu vòng xòe đi từ phải sang trái thì bước chân trái trước, dậm chân phải theo rồi lùi chân phải về, chân trái trở về dậm nhịp tại vị trí bên phải.

Để có những thông tin phong phú hơn, chúng tôi tìm về tổ dân cư số 6 (phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ), nơi cư trú của gia đình ông Mào Văn Ết - nguyên cán bộ biên tập phần văn học Thái của Tạp chí Văn học Nghệ thuật Điện Biên; người mới được trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn và tri thức dân gian. Ông Mào Văn Ết vốn quê gốc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - vùng đất này chính là “quê hương” của những điệu xòe cổ kinh điển nổi tiếng. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mục đích của chuyến viếng thăm, như thể sẵn có “máu xòe” trong người, Nghệ nhân Ưu tú Mào Văn Ết xếp gọn bộ bàn ghế lại và ngay tại gian khách của gia đình, ông trình diễn các động tác theo nguyên mẫu xòe cổ cho chúng tôi thưởng thức. Chừng 20 phút sau, ông dừng lại và diễn giải trong hơi thở gấp vì tuổi cao sức yếu.

Cứ như ý kiến của ông Mào Văn Ết, cho đến nay không có tài liệu nào khẳng định chính xác xòe Thái có từ bao giờ. Chỉ biết sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, dưới bàn tay của các biên đạo múa, xòe được chỉnh lý và dần hoàn thiện, nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn. Cùng với các biên đạo múa, các nhạc sỹ cũng nhanh chóng vào cuộc, góp phần đưa vòng xòe không chỉ vượt ra ngoài sân chơi làng bản, mà còn được tôn vinh trên sân khấu hiện đại. Mỗi điệu xòe có một bản nhạc riêng với khúc thức hoàn chỉnh, thường nhịp 2/4, có một số điệu được chuyển thành khí nhạc. Với vòng xòe trên sân khấu biểu diễn, tính tẩu có thể 2 dây hoặc 4 dây, tuỳ theo đệm cho múa hay đệm cho hát để lên dây theo quãng 4 đúng hoặc quãng 5 đúng.

Theo chỗ chúng tôi được biết: Cách đây 64 năm (1952-2016), nữ nghệ sỹ múa Phương Thảo của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người có công đầu giới thiệu điệu xòe nón Mường Lay với bạn bè quốc tế, trong chương trình Liên hoan Thanh niên thế giới năm 1952, tổ chức tại Béclin (Cộng hoà dân chủ Đức). Người có công cải biên và “thổi hồn” cho điệu múa này là đại tá, Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Minh Tiến - một nhạc sỹ quân đội tài năng và nhiều tâm huyết với nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Tây Bắc... Cho dù chưa xác định được thời gian (niên đại ra đời), song trong cộng đồng dân tộc Thái Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng, múa xòe đã và đang tồn tại như một loại hình văn hóa tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí: Dễ tổ chức, dễ thực hiện (múa) và dễ trao truyền (phổ biến)...