Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá

Cần sự nỗ lực từ người dân

Thứ Tư 8:02 08/03/2017
ĐBP - Dân tộc Phù Lá ở Điện Biên sống tập trung chủ yếu ở xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) và xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa). Theo các nhà nghiên cứu thì dân tộc Phù Lá chia thành 2 nhóm chính: Nhóm Lao Va Xơ và nhóm Pu La. Qua trang phục truyền thống, ngôn ngữ và cách giao tiếp cho thấy, dân tộc Phù Lá trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm Lao Va Xơ. Trải qua các thời kỳ, tuy người Phù Lá còn giữ được một số bản sắc dân tộc song về trang phục truyền thống, lễ hội, đặc biệt là ngôn ngữ đang ngày bị mai một.

Đến bản Khua Trá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, nếu không tìm hiểu trước một số đặc trưng, bản sắc truyền thống của dân tộc Phù Lá thì có lẽ chúng tôi cũng không thể nhận biết được nơi đây có người Phù Lá đang sinh sống. Cả bản có 87 hộ, trong đó 15 hộ dân tộc Phù Lá, còn lại là dân tộc Mông. Từ trước tới nay, cuộc sống của các hộ dân nơi đây đều rất khó khăn nên họ tập trung làm ăn, mưu sinh, chưa ý thức được việc phải bảo tồn nét văn hóa truyền thống cho thế hệ con cháu. Và có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến bản sắc văn hóa truyền thống của người Phù Lá đang dần bị mai một. Bà Hạng Thị Sáng, năm nay đã 60 tuổi, già bản người Phù Lá. Bà là một trong những người hiểu tường tận cuộc sống người Phù Lá nơi đây. Trong câu chuyện của bà Sáng, được biết, cách đây hơn 40 năm, có 4 hộ người Phù Lá chuyển đến bản Khua Trá sinh sống. Sau nhiều năm, đến nay, người Phù Lá ở Khua Trá đã tăng lên 15 hộ. Theo bà Hạng Thị Sáng, trước đây, người Phù Lá vẫn còn lưu giữ được một số nét văn hóa, phong tục đặc trưng của dân tộc mình. Nhưng đến nay nhiều điểm đã bị lai tạp những nét văn hóa của các dân tộc khác.

 

Phụ nữ dân tộc Phù Lá trong trang phục truyền thống.

Theo truyền thống, nam giới dân tộc Phù Lá mặc áo xẻ ngực, được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ. Đối với phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu; đầu quấn khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc 2 áo như một số dân tộc khác mà thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như bố cục dùng màu làm cho áo phụ nữ Phù Lá không bị lẫn với các tộc người khác. Tuy nhiên, do người Phù Lá ở phân tán, dân  số ít, lại kết hôn với các dân tộc khác nên đã theo phong tục, ăn mặc, sinh hoạt cùng các dân tộc khác.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, dân tộc Phù Lá còn sống rải rác tại bản: Kép, Túc, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa). Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin Tủa Chùa thì hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 20 hộ dân tộc Phù Lá. Song việc bảo tồn, phát triển dân tộc này là rất khó khăn. Một phần do lớp trẻ không muốn theo phong tục, tập quán mẹ đẻ. Bên cạnh đó, thế hệ đi trước chưa có ý thức bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc. Chính vì thế, ngay cả các lễ hội truyền thống, nghi lễ ma chay, cưới hỏi đã không còn giữ được, kể cả trang phục cũng đã bị ảnh hưởng của dân tộc Mông, Thái. Trước đây dân tộc Phù Lá mang họ Dề Lọ Xệ, Sê Pạ, Ả Cáp Pả… bây giờ đang dùng họ của dân tộc Thái, như: Quàng, Lò.

Để bảo tồn nét văn hóa của người Phù Lá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Phù Lá giai đoạn 2020 - 2025. Hy vọng, với nỗ lực của các cấp, các ngành, bản sắc truyền thống của dân tộc Phù Lá cũng như các dân tộc thiểu số trên địa bản tỉnh sẽ được khôi phục và lưu giữ.