Suy ngẫm về cuộc sống

Nói thật và nói dối

Thứ Năm 9:13 27/07/2017
ĐBP - Lúc còn nhỏ, tôi được ông bà, cha mẹ dạy rằng: “Con người phải sống trung thực, thật thà, không được dối trá với mọi người và với chính bản thân mình, đó mới là một con người có đạo đức”.

Khi đó, tôi chưa hiểu thế nào là trung thực, thế nào là dối trá, mà chỉ biết rằng những gì tôi làm vừa lòng người lớn và được khen ngợi thì đó mới là những việc làm tốt. Nhưng đến một hôm, tôi đã biết sự thật về tác dụng lời nói thật và lời nói dối. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền biển. Bạn tôi làm nghề đi biển, vài tháng mới trở về đất liền một lần. Một hôm anh đi biển khơi không may gặp bão. Ở nhà vợ con và mẹ già, đang lo cho anh, mong sao anh tai qua nạn khỏi. Vì quá lo lắng cho con trai, nên bệnh cao huyết áp của bà tái phát, khiến bà phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. Đến khi tỉnh dậy bà thều thào hỏi tôi: “Bão đã tan chưa? con trai bà đã về chưa?”. Trước khi đến đây tôi đã chứng kiến thấy mảnh vỡ của con tàu mà anh bạn tôi đi, dạt vào bờ, nhưng tôi lặng im không nói. Thấy mọi người không ai trả lời, bà lại hỏi mọi người một lần nữa. Tôi cầm lòng không được nên kể cho bà nghe về những mảnh ván con thuyền con trai bà đi bị sóng xô dạt vào bờ, không biết số phận của anh ấy ra sao thì vẫn chưa biết. Nghe tôi kể xong, bỗng nhiên huyết áp của bà tăng vọt. Bà nấc nhẹ mấy cái rồi nhắm mắt xuôi tay ra đi vĩnh viễn. Việc nói thật của tôi hôm đó đã vô tình làm bà cụ mẹ của bạn tôi ra đi vĩnh viễn. Lỗi lầm đó, suốt đời tôi không thể tha thứ cho mình. Sau khi tan bão người bạn của tôi sống sót trở về do một chiếc thuyền khác cứu. Anh không trách tôi mà chỉ gục bên mộ mẹ khóc nức nở. Một trường hợp khác. Mẹ tôi bị bệnh đau dạ dày nằm liệt giường gần một năm trời, bác sĩ bảo tôi: “Dạ dày của cụ bị hoại tử nặng, anh về mua yến hấp lấy nước cho cụ uống và chuẩn bị hậu sự”. Nói rồi bác sỹ đưa cho tôi hai tấm phim chụp dạ dày của mẹ tôi và của người khác vừa mới chớm loét dạ dày cho tôi xem để so sánh. Tôi mượn bác sỹ tấm phim của người nọ về nói với mẹ tôi: “Đấy mẹ xem! Dạ dày mẹ chỉ mới loét thôi có gì đâu mà mẹ sợ?”. Sau khi xem tấm phim xong mẹ tôi cười: “Thì ra dạ dày mình chưa đến nỗi nào”. Nói xong bà ngồi dậy ăn hết chén cháo. Tôi biết nói dối mẹ là điều không nên, nhưng tôi không thể nào làm khác được. Điều mà tôi khát khao là mẹ tôi được sống vui vẻ, ngày nào hay ngày ấy, đó mới là niềm hạnh phúc của cả gia đình tôi. Bỗng nhiên hai tháng sau bác sỹ báo tin dạ dày của mẹ tôi đã hết hoại tử và tiến triển rất khá, giờ chỉ còn mấy chấm đen không đáng ngại. Bấy giờ tôi mới hiểu ra một điều: Không phải lời nói thật nào cũng tốt và không phải lời nói dối nào cũng xấu. Lời nói thật và lời nói dối, trong cuộc sống con người phải đồng nghĩa với tình yêu thương. Nói dối hay nói thật điều đó không quan trọng. Mà điều cần quan tâm là lời nói đó làm cho con người khỏe mạnh lên, vượt qua khỏi bệnh tật hiểm nguy, đó mới là lời đáng nói, không cần quan tâm đó là điều nói thật, hay là lời nói dối. Có những điều mắt thấy, tai nghe, tri thức của mình hiểu, nhưng chúng làm cho người khác, mất đi niềm tin cuộc sống, mất đi sức mạnh tinh thần, dẫn đến việc hủy hoại cuộc đời của một con người thì đều đó có nên không, cho dù đó là sự thật mười mươi đi chăng nữa. Một lời nói dối để cứu người và một lời nói thật phũ phàng có thể giết người. Tất nhiên ta sẽ chọn lời nói dối chân chính.

Tuy vậy để phân biệt tác dụng của những lời nói thật và nói dối là một sự lựa chọn thông minh và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh đặc biệt mà ứng xử. Hãy lựa chọn lời nói thế nào để lời nói ấy không ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Để tránh được những tai họa không cần thiết khi nói dù là nói thật hay nói dối nên  nhớ một điều quan trọng nhất là: luôn mang trong mình một trái tim nhân hậu, tha thiết với cuộc sống và thông cảm với mọi người.