Xây dựng nghị định về quản lý tổ chức lễ hội

Thứ Tư 16:37 16/08/2017
Bộ VH-TT&DL vừa trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Dự thảo nghị định được xem là việc làm cần thiết của cơ quan quản lý nhằm siết chặt công tác quản lý, đặc biệt là việc cấp phép tổ chức lễ hội.

Trong dự thảo nghị định này, có thể những vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội đã được quy định trong một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Điểm lưu ý nhất của dự thảo nghị định này chính là việc cấp phép lễ hội. Dự thảo đã quy định những loại hình lễ hội phải cấp phép trước khi tổ chức bao gồm: Lễ hội dân gian được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn ở quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, lễ hội VH-TT&DL quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam... 

 

Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có nội dung quy định tiêu chí để cấp phép lễ hội.

Dự thảo nghị định đưa ra 3 chính sách với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nội dung lễ hội đúng với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, thực sự trở thành nét sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng cao, hấp dẫn và có giá trị về giáo dục, tâm linh lành mạnh. Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức lễ hội. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cấp giấy phép đối với lễ hội VH-TT&DL quy mô khu vực hoặc toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp giấy phép đối với các lễ hội có nguồn gốc nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh, TP cấp phép các lễ hội cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng nêu những điều kiện cần thiết để cấp phép cho một lễ hội. Đó là: Không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị hay mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; đảm bảo nội dung của phần nghi lễ và các hoạt động lễ hội không chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực… 

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, khi nghị định này đi vào cuộc sống sẽ tạo hành lang pháp lý để không cho phép phục dựng tràn lan các lễ hội nói chung, lễ hội chọi trâu không gắn với truyền thống nói riêng.

Hiện nay, cả nước có hơn 8.000 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có rất nhiều lễ hội để xảy ra những hình ảnh không đẹp mắt như chen lấn, xô đẩy để tranh cướp lộc; một số lại có hình ảnh bạo lực như lễ hội chém lợn (Bắc Ninh), lễ hội cướp phết Hiền Quan, đập đầu trâu (Phú Thọ)… Gần đây, Lễ hội chọi trâu truyền thống tại Đồ Sơn (Hải Phòng) để xảy ra việc trâu húc chết chủ khiến dư luận lại thêm mong muốn công tác quản lý lễ hội, nhất là những lễ hội có động vật đối kháng cần phải được siết chặt hơn.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến, sẽ được trình Chính phủ xem xét, thông qua vào cuối năm 2017, trước mùa lễ hội năm 2018.