Đất nước – Con người

Nam Trân, một tài hoa xứ Quảng

Thứ Năm 10:13 05/10/2017
ĐBP - Năm nay, 2017, kỷ niệm 110 năm sinh (1907 - 2017) và 50 năm  ngày mất (1967 - 2017) của Nam Trân, một nhà thơ, một dịch giả, một nhà văn hóa, một nhà giáo dục xuất sắc, đồng thời cũng là một người con ưu tú của xứ Quảng. Nam Trân tên thật Nguyễn Học Sỹ, sinh 15/2/1907 tại làng Phú Thứ Thượng, nay là xã Ðại Quang, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam và mất ngày 21/12/1967 tại Hà Nội, lúc 60 tuổi.

Từ lúc còn nhỏ cho đến năm 12 tuổi, Nam Trân học chữ Hán và tập làm những lối văn trường ốc. Sau đó, ông vào học tại Trường Quốc học, Huế, rồi Trường Bưởi, Hà Nội. Học xong, ông có bằng tú tài bản xứ và đi làm tham tá tòa khâm sứ Huế, rồi làm tá lý bộ Lại (tòng tam phẩm) và thị lang bộ Lại (chánh tam phẩm), cuối cùng là Án sát tỉnh Bình Ðịnh.

 

Chân dung nhà thơ Nam Trân và trang bìa cuốn sách Huế, Ðẹp và Thơ. Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến, công tác ở Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Ðại Lộc, rồi tỉnh Quảng Nam, làm Chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu V. Nhập vào hàng ngũ những người làm văn nghệ đất Quảng và Liên khu V, ông tham gia sáng tác và từng làm Chủ tịch Ban Ðại diện văn hóa kháng chiến Khu V, dịch một số truyện Xô viết ra tiếng Việt như Người Xô viết chúng tôi của Boris Polevoy (1918 - 1981). Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục tham gia hoạt động văn nghệ. Nam Trân là hội viên sáng lập Hội Nhà văn  Việt Nam.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân chọn 46 nhà thơ và tuyển 169 bài thơ, thì Nam Trân có 7 bài, số lượng bằng với Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, chỉ sau: Nguyễn Bính, Chế Lan Viên: 8 bài, Quách Tấn: 9 bài, Lưu Trọng Lư, Huy Cận: 11 bài và Xuân Diệu nhiều nhất: 15 bài. Cũng trong Thi nhân Việt Nam, có 4 nhà thơ gốc Quảng, gồm Hằng Phương tuyển 1 bài, Phạm Hầu: 2 bài, Xuân Tâm: 2 bài và Nam Trân: 7 bài. Thống kê này cho thấy cái nhìn và đánh giá của các tác giả Thi nhân Việt Nam. Nam Trân đã có thơ  đăng trên các báo và tạp chí, như: Nam phong tạp chí, Văn học tạp chí, Tràng An, Sông Hương, Phong hóa, Tân tiến (Sa Ðéc)... Tác phẩm chính của ông: Huế, Ðẹp và Thơ (1939).

Nam Trân là nhà thơ xứ Quảng, mang tâm hồn, khí vị đất thần kinh, vì thế, qua Huế, Ðẹp và Thơ, ông được tặng danh hiệu “thi sĩ của xứ Huế”. Hoài Thanh nhận xét: “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân… Thiết tưởng vì tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”.

Chất Huế bàng bạc trong thơ Nam Trân, tạo nên thần sắc về cảnh trí xứ Huế. Thoáng những trầm tư lịch sử. Hư huyền và mờ ảo khói sương. Ðó là: “Êm êm dòng nước Hương Giang chảy”, là tiếng chuông chùa Diệu Ðế: “Theo trăng bóng vạc về rừng/ Sương thu phủ kín mấy từng thành xưa/ Bến sông thuyền ngủ lưa thưa/ Tiếng chuông Diệu Ðế gió đưa lại gần”. Năm 1959, Nam Trân về công tác tại Viện Văn học, chuyên về dịch thuật. Ông cũng là một trong những người có công mở lớp đại học Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc, do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, đồng thời tham gia giảng dạy.

Nam Trân còn có bút danh là Tương Như, người tuyển và tham gia dịch Thơ Ðường (tập 1, tập 2, do NXB Văn học in và tái bản nhiều lần), Thơ Tống, Thơ văn Lý Trần, Thơ Quách Mạt Nhược.

Dịch thơ, lại là thơ Ðường, vốn là một việc không dễ, có thể nói vô cùng khó khăn. Nghiêm Phục (1853 - 1921) từng đặt ra 3 tiêu chuẩn của công việc dịch thuật. Ðó là: Tín - Ðạt - Nhã. Chuyển nghĩa một văn bản nghệ thuật, nỗ lực lắm có khi chỉ đạt 70, 80% về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm. Dịch thơ Ðường từng có những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Phan Huy Vịnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tản Ðà, Ngô Tất Tố, Trúc Khê, Nhượng Tống, Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng, Hoàng Tạo, Doãn Kế Thiện, Quách Tấn… Nay, có thêm một Nam Trân. Các bản dịch của ông về thơ Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Trần Tử Ngang, Lạc Tân Vương, Vương Bột, Vương Xương Linh, Lý Ước, Vi Ứng Vật, Lưu Trường Khanh, Vương Chi Hoán, Ðỗ Phủ... là những công trình nghệ thuật, tài hoa, chuẩn mực, đứng vững với thời gian.

Những bài thơ của Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Duy được tuyển chọn và giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông là bản dịch thơ của Nam Trân, như Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác núi Lư), Tĩnh dạ tư (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lý Bạch, Ðăng cao (Lên cao) của Ðỗ Phủ, Ðiểu minh giản (Khe chim kêu) của Vương Duy.

Ðặc biệt, Nam Trân là người vừa chủ trì vừa dịch Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Hồ Chí Minh ra tiếng Việt, xuất bản lần đầu năm 1960. Bản dịch của Nam Trân, như Tố Hữu nhận xét, “Việc dịch tập Nhật ký trong tù là cực khó. Vì ngoài kiến thức uyên thâm về Hán học ra, người dịch phải là nhà thơ thì mới mong dịch thơ Bác thành thơ cho có hồn được. Chỉ có anh Nam Trân có đủ hai mặt này”.

Nam Trân là nghệ sĩ đa tài, một nhà thơ, một nhà văn hóa xuất sắc, một trí thức yêu nước. Năm 2017, kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957 -2017), tưởng nhớ Nam Trân là tưởng nhớ một con người suốt một đời phấn đấu cho cái đẹp của văn học nước nhà, truyền thụ cái tinh tế của văn hóa phương Ðông, góp phần đào tạo nhiều chuyên gia Hán học cho các ngành khoa học xã hội Việt Nam.