Tản văn

Gặt lúa đêm trăng

Thứ Năm 9:38 19/10/2017
ĐBP - Ở quê tôi, cứ mỗi lần vào vụ lúa mà trăng sáng là nhà nông chăm chỉ làm việc cả ban đêm. Họ tranh thủ trong ánh đèn trời mờ ảo để sớm hoàn tất công việc, có thêm thu nhập, đỡ gánh lo toan.

Ba mẹ tôi cũng thế. Cứ tầm 3-4 giờ sáng, khi ánh trăng còn nuối tiếc chưa chịu nhường chỗ cho mặt trời là hai người đã lục tục chuẩn bị cơm nước, nông cụ để ra đồng gặt lúa thuê. Gặt lúa trong đêm có cái lợi là mát mẻ, không mất sức vì nắng nóng nên năng suất lao động hiệu quả cao hơn gấp đôi. Vì vậy mà người trong xóm lần lượt ra khỏi nhà trong bóng trăng ảo diệu cứ như đi trẩy hội. Nếu đường dễ đi, bà con sẽ đi bộ vài cây số, băng qua nhiều lung bưng để tới nơi làm việc. Nhưng nếu đường bị ngăn trở bằng những con kênh, họ buộc phải bơi xuồng ba lá. Mất cả giờ đi chứ không ít. Tiếng ồn ào, náo nhiệt và những câu chuyện phiếm của một vài người hoạt náo đánh tan cơn buồn ngủ trên đôi mắt mệt mỏi.

Lúa ở quê được chủ chia theo từng công (1 công khoảng 1.000 - 1.200 mét vuông). Nhà nào đông người thì cùng nhau gặt. Còn hộ nào ít người như ba mẹ tôi thì phải chia nhau ra hai đầu và gặt lúa tiến vào giữa để xây cù bắt chim, chuột, ếch, rắn... mang về cải thiện bữa ăn gia đình. Dù khoảng cách khá xa nhưng thông qua câu hát, điệu hò, lời nói rổn rảng trong đêm nên khí thế rất hăng say, không nhàm chán. Chính vì sự tranh thủ đó mà áng chừng 10 giờ ba mẹ tôi đã gặt xong một công lúa. Còn khoảng lúa nhỏ ở giữa, được ba xây cù vòng tròn, dằn chặt bằng các mớ lúa đã gặt. Khi gặt sạch lúa, chim, chuột, rắn lủi vào trong các mớ lúa “lánh nạn”. Ba tôi chỉ việc vạch lúa ra và bắt chúng cho vào bao đã chuẩn bị sẵn. Lúc này mặt trời cũng đã chói chang, đủ để phơi khô những mớ lúa rải trên gốc rạ. Phần còn lại, hai người vác lúa đã gặt vào điểm tập kết rồi lên bờ tìm bóng râm dùng cơm và nghỉ ngơi vài giờ. Do nhà xa nên ba mẹ không về. Anh em chúng tôi ở nhà tự lo liệu cái ăn, buổi học, giặt giũ. Tầm 3 giờ chiều, khi ông mặt trời bớt phủ cái nóng thiêu đốt thì ba mẹ tôi tiếp tục gặt công khác cho đến tối trăng mới chịu ra về nghỉ ngơi. Khuya nay lại tiếp tục công việc thường nhật.

Có nhìn thấy ba mẹ lao động tôi mới biết nỗi cơ cực, vất vả của người làm nông như thế nào. Vào những ngày hè, tôi thường xin theo ba mẹ đi gặt lúa. Ở quê, trẻ con biết gặt lúa từ lúc tuổi lên mười, nên ba mẹ không lo gì chuyện đó. Ba chỉ sợ đêm khuya cảm lạnh, sợ đứt tay vì không nhìn rõ lúa, rồi muỗi kêu như sáo thổi bay quanh quẩn trên lưng.

Giữa màn đêm ướt đẫm hơi sương, ba đội tôi trên vai lội qua con sông cạn để đến đồng lúa. Ba bảo: “Bây giờ con muốn quay về vẫn còn kịp”. Tôi lắc đầu: “Con muốn ra đồng với ba mẹ”. Hôm đó nhà tôi không may mắn, chọn trúng công lúa ngay lung trũng, lúa ngả nghiêng, nằm sát xuống đất khiến cho việc gặt lúa khó khăn. Thời gian gặt được một công lúa lâu hơn và cũng vì thế mẹ tôi bị đứt tay, đầm đìa máu do lỡ gặt vào ngón út. Nhưng mẹ không bỏ cuộc, vẫn đưa tay gặt thoăn thoắt. Tôi hiểu mẹ đau lắm, nhưng nghỉ tay là “treo mỏ” nên mẹ phải gắng làm. Nhiệm vụ của tôi là gom lúa vào điểm tập kết và lấy nước cho ba mẹ uống.  Khi trời sáng hẳn, tôi tranh thủ tìm những trũng nước nhỏ bắt cá cho vào xô. Chao ôi, cá ở đâu mà nhiều đến thế. Chỉ có một khoảng nước với diện tích tầm bằng cái rổ thôi nhưng cá rô, cá sặc nó quẫy đuôi đếm không xuể. Buổi trưa đó, tôi được dùng món cá nướng rơm thơm lừng.

Song thân giờ đã già nua, lưng còng, tóc bạc. Cứ mỗi lần nhìn dáng sinh thành, tôi lại nghĩ đến quãng đời cơ cực mà họ đã khom lưng cắt lúa mỗi ngày. Nó nhắc cho tôi biết, phận làm con phải biết phụng dưỡng cha mẹ tuổi xế chiều. Kỷ niệm gặt lúa đêm trăng ấy vẫn làm tôi nhớ mãi.