Ðể cái “hồn” dân tộc Dao đỏ không bị mai một

Thứ Năm 9:03 04/01/2018

ĐBP - Cho dù xã hội phát triển đến đâu, thì văn hóa luôn là nét đặc trưng, “linh hồn” của mỗi dân tộc. Vì lẽ đó mà, các nghệ nhân dân tộc Dao đỏ ở huyện Nậm Pồ vẫn đang hàng ngày miệt mài khôi phục, gìn giữ, truyền thụ những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ sau…

 

Ông Lý Lìn Siểu, bản Sín Chải 2, xã Nà Hỳ truyền dạy chữ dân tộc Dao đỏ cho con cháu.

Sau những giờ làm việc đồng áng, những người phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Nà Hỳ lại quây quần bên nhau để thêu những bộ trang phục truyền thống cho bản thân và gia đình. Các bà, các mẹ truyền kinh nghiệm nhuộm vải và cách thêu trang phục cho con, cháu. Nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ không thể thiếu những họa tiết hoa văn trang trí trên từng bộ phận. Người Dao đỏ quan niệm, hoa văn trên y phục không chỉ thể hiện tính cần cù, nhẫn nại, sự khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Dao mà còn cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục tạo nên nét riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Theo bà Lý Mùi Sính, bản Sín Chải 2, xã Nà Hỳ - người am hiểu về văn hóa dân tộc Dao thì, trang phục của người phụ nữ Dao đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài. Theo phong tục, phụ nữ Dao đỏ ở đây không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài (áo tứ thân màu đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân) với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc,... Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống phú quý, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của dân tộc Dao. Trên thân áo, hàng cúc bạc hình chữ nhật to, khắc trên cúc áo là dấu của Thiên Ðế (dấu của trời). Bởi vì, theo quan niệm của người Dao, khi mặc trang phục trên người thì họ luôn được trời, tổ tiên che chở, phù hộ; khi mất đi, bộ trang phục sẽ được chôn cùng và những chiếc cúc áo chính là dấu hiệu để người Dao được lên trời, nhận về với tổ tiên của mình. Ðồng thời, quần của phụ nữ Dao đỏ luôn cùng màu với áo gồm những hoa văn và họa tiết được thêu tỉ mỉ ở nửa dưới của hai ống quần là: Hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn... Khi mặc quần, phần trên màu đen không có hoa văn, quấn bằng dây, thắt lưng. Khăn đội đầu của người Dao đỏ được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ các màu; khăn được gấp đôi theo chiều dọc, khi đội thì cuộn nhiều vòng quanh đầu. Theo quan niệm của đồng bào Dao, những họa tiết trang trí hình tam giác trên khăn là mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, người dân mong muốn thể hiện tín ngưỡng phồn thực, mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy...

Là tộc người có chữ viết riêng, người Dao đỏ sớm đã biết sử dụng những nguyên liệu sẵn có tạo ra một phương tiện để ghi chép lại những phong tục tập quán, nghi lễ, những điều cần dạy bảo con cháu, bằng chính loại giấy do dân tộc làm ra. Làm giấy đã trở thành nghề truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ. Trò chuyện với ông Lý Lìn Siểu, bản Sín Chải 2, xã Nà Hỳ được biết: “Ðể làm giấy dó, người Dao phải lấy rơm từ cổ của bông lúa, mà phải là lúa nương thì mới dai, chứ lúa ruộng thì không được vì cổ lúa ruộng không mềm. Các cụ làm ngàn đời rồi nên người ta tính như thế”. Sau khi thu hoạch lúa, tách bỏ phần lớp áo ngoài của cây, người Dao đỏ sẽ giữ lại phần rơm bên trong, đem cắt gốc, cắt ngọn, chỉ lấy thân rơm (dài khoảng 18 - 20cm) để làm giấy; rơm cho vào chảo trộn với tro bếp, đun cho tới mềm cây rơm, lấy ra ngâm nước, rửa sạch tro bếp, đập nhuyễn cây rơm lấy nước để tạo khuôn giấy. Dụng cụ cơ bản để làm giấy dó là một cái khuôn làm bằng tre, căng vải ở phía trên, có nhiều kích cỡ khác nhau (thường là 80cm x 150cm), một nồi nấu chất liệu giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy... việc làm giấy chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Ðể có những tờ giấy vuông vắn, công đoạn cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, gấp vào, dùng thanh nứa mảnh rọc theo khổ, sau đó chạm hoa văn nổi bằng một dụng cụ kim loại. Mỗi tờ giấy cầm lên mỏng tang, sắc vàng, độ xốp cao, dai mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và phảng phất hương thơm của cây rừng.

Qua đợt tổng kiểm kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Pồ, cho thấy: Hiện nay, người Dao đỏ ở Nậm Pồ chiếm 4,15% tổng số dân toàn huyện, sinh sống chủ yếu ở 3 xã: Pa Tần, Nà Hỳ, Vàng Ðán… họ vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Ngoài trang phục, các lễ hội, phong tục ma chay, cưới hỏi; nghề làm trống, làm giấy dó bằng rơm; dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống... Người Dao đỏ vẫn còn lưu giữ một kho tàng ngữ văn dân gian, gồm: Truyện, thơ, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ... đa dạng, thông qua cách truyền miệng từ các nghệ nhân, người già cho con, cháu mỗi dịp gia đình tụ họp đông người.