Bảo vệ, giữ gìn hiện vật lịch sử

Trách nhiệm không của riêng ai!

Thứ Tư 9:51 21/03/2018
ĐBP - Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, cho biết: Hiện nay, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ trưng bày gần 1.000 tài liệu hiện vật tại hệ thống trưng bày thường trực và một số hiện vật trưng bày tại các khu di tích trong quần thể Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Do nhận thức của mỗi người trong việc bảo vệ, giữ gìn các hiện vật giá trị lịch sử chưa cao nên vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân, du khách đến tham quan vô tư leo trèo lên hiện vật, như: xe tăng, pháo… để chụp ảnh tại các khu di tích. Còn có những du khách, người dân giẫm đạp lên hoa, cỏ, rất phản cảm.

Ðể người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ các hiện vật tại quần thể Chiến trường Ðiện Biên Phủ, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về việc giữ gìn, bảo vệ và đảm bảo vệ sinh tại các điểm di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các buổi sinh hoạt của tổ dân phố, thôn, bản. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý vi phạm di sản văn hóa, hiện vật lịch sử bằng việc duy trì hợp đồng nhân lực tại chỗ để thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ, gìn giữ các hiện vật. Ðồng thời, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

 

Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ vệ sinh Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã tổ chức gắn biển cấm leo trèo lên hiện vật, giẫm đạp lên cây, cỏ, hoa tại các điểm di tích lịch sử để cảnh báo người dân và du khách đến tham quan. Nhằm bảo vệ, tạo cảnh quan môi trường trong quần thể, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh tại các điểm di tích. Ðể các hiện vật ngoài trời được bảo vệ trước những ảnh hưởng của thời tiết, bên cạnh nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa để làm mái che cho các hiện vật nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ðến nay, hầu hết các điểm di tích đã được đầu tư hệ thống cột và mái lợp; đáp ứng nhu cầu bảo vệ di tích. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa kết hợp giữa tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh sẽ góp phần bảo vệ, giữ gìn, bảo quản lâu dài các hiện vật trong chiến tranh chống thực dân Pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh việc triển khai các biện pháp của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, để các hiện vật trong quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được bảo vệ, giữ gìn tốt nhất, mỗi một cá nhân, tổ chức hãy nhận thức sâu sắc hơn nữa về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, các hiện vật lịch sử. Phải nhận thức được rằng, việc bảo vệ, giữ gìn hiện vật lịch sử không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và tầng lớp nhân dân.

Bảo vệ hiện vật trong các di tích là một phần rất quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, lãnh đạo các cấp, ngành cần quan tâm và mỗi người dân hãy chung tay bảo vệ những giá trị quý báu lịch sử để lại.