Những người giữ hồn dân tộc

Thứ Năm 8:04 14/06/2018
ĐBP - Theo kết quả tổng kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể, tính đến hết năm 2017 tỉnh ta có gần 3.000 nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc. Ðội ngũ này hầu hết đều đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, với mong muốn gìn giữ vẹn nguyên hồn cốt tinh hoa văn hóa dân tộc mình và bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em trên mảnh đất Ðiện Biên.

 

Hiện nay, dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) vẫn duy trì nhiều trò chơi dân gian. Ảnh: Nguyễn Hiền

Trong lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp cho Tết té nước (Bun Huột Nặm) tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên), chúng tôi gặp lại một gương mặt rất quen thuộc trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh: Nghệ nhân Lường Thị May. Chúng tôi biết đến bà với không ít cống hiến cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Lào ở Ðiện Biên. Bà là một trong số ít người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, có thể thể hiện gần như nguyên vẹn các bài dân ca, các điệu hát ru, giao duyên, cưới hỏi, hát tế lễ... hay múa căm bản căm mường, lăm vông, múa vui mùa vụ... và cả một số lễ hội, nghi thức dân gian khác của dân tộc Lào. Không chỉ vậy, bà Lường Thị May còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy những kiến thức văn hóa dân tộc cho thế hệ đi sau. Ðến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 100 người được bà trao truyền những nét tinh hoa của dân tộc Lào ở Na Sang. Và có lẽ, một phần cũng nhờ những cống hiến thầm lặng, miệt mài của bà mà nghi lễ Tết té nước (Bun Huột Nặm) tại Na Sang mới được gìn giữ và phát huy, vinh dự trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như vậy. Tuổi đã cao nhưng chúng tôi dám chắc bà vẫn say mê với việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc giống như nhiều năm trước.

Ngoài bà Lường Thị May, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn lưu giữ di sản văn hóa truyền thống. Chiếm 4,15% tổng số dân toàn huyện Nậm Pồ, người Dao đỏ sinh sống chủ yếu ở 3 xã: Pa Tần, Nà Hỳ, Vàng Ðán. Từ thông tin của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Pồ và qua nhiều tư liệu của đồng nghiệp, chúng tôi được biết họ vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo từ trang phục, các lễ hội, phong tục ma chay, cưới hỏi đến các nghề truyền thống, các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Không chỉ vậy, người Dao đỏ Nậm Pồ vẫn còn lưu giữ một kho tàng ngữ văn dân gian, gồm: Truyện, thơ, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ... đa dạng, phong phú. Làm được điều đó là nhờ đội ngũ nghệ nhân, người am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình như bà Lý Mùi Sính, ông Lý Lìn Siểu... thông qua cách truyền miệng từ các nghệ nhân, người am hiểu cho con, cháu mỗi dịp gia đình tụ họp đông người hoặc thông qua những dịp lễ hội, ngày tết truyền thống. Hay mới đây, Ðoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh vinh dự mang về 6 giải tại Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI diễn ra tại Hà Giang. Các tiết mục mang đến hội thi đều là những tinh hoa dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái Ðiện Biên. Làm nên vinh dự đó là 4 nghệ nhân: Khoàng Văn Dọng, Mào Văn Ết, Bế Ngọc Thụ, Lò Hải Vân cùng với gần 30 cán bộ, diễn viên quần chúng đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh và bản văn hóa Hoong Lếch Cang (xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên). Họ đều là những nghệ nhân tiêu biểu, tâm huyết với âm nhạc, lời ca, điệu múa truyền thống của dân tộc Thái. Ðể có thể “đem chuông đi đánh xứ người” một cách tài tình như vậy, các nghệ nhân vừa dành nhiều thời gian, công sức luyện tập để biểu diễn chính, vừa đóng vai trò là người cố vấn, cung cấp tư liệu văn hóa, cố vấn nội dung để các tiết mục đúng với văn hóa cổ truyền của người Thái Ðiện Biên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết: Di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị tinh thần hết sức có ý nghĩa đối với từng dân tộc. Và nghệ nhân là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Họ thường xuyên tham gia các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ tại địa phương không chỉ thỏa mãn niềm đam mê mà còn góp phần truyền bá, nhân rộng những tinh hoa văn hóa đó tới người dân. Trong số các nghệ nhân trong toàn tỉnh, hiện nay đã có 8 người được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, tỉnh cũng đang trình lên Hội đồng cấp Nhà nước danh sách 20 nghệ nhân đủ số phiếu đề nghị phong tặng danh hiệu ưu tú trong năm 2018.

Nếu được phong tặng, những danh hiệu như nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân... sẽ tiếp thêm nhiệt huyết để các nghệ nhân nỗ lực hơn nữa cống hiến cho văn hóa truyền thống. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng dù có hay không danh hiệu, những nghệ nhân vẫn sẽ vẹn nguyên đam mê, miệt mài với công tác bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi với nghệ nhân - những người giữ hồn dân tộc đó không chỉ là tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, với xã hội và những thế hệ đi sau.