Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử

Cần quyết liệt hơn

Thứ Năm 9:15 06/12/2018

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 di tích được công nhận xếp hạng; trong đó: 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Ðây là những di tích có giá trị lớn không chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau mà còn là cơ sở để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện nay mới có 2/21 di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ được cắm mốc bảo vệ, các điểm di tích khác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013… Ðiều này cho thấy việc bảo vệ di tích vẫn còn những bất cập, đòi hỏi cơ quan chủ quản và các ngành chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa.

Báo cáo giải trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại phiên họp giải trình của Thường trực HÐND tỉnh ngày 18/10 cho thấy: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo vệ, tu bổ các di tích lịch sử để phát huy giá trị và bước đầu triển khai thực hiện đạt một số kết quả. Ðiển hình như việc tham mưu ban hành Quyết định số 23/QÐ-UBND, ngày 4/10/2016 về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh là cơ sở để các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện và triển khai các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích như: Dự án Khu lưu niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng và Ðền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030…

Cũng theo báo cáo của Sở, thời gian qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thống kê được 82 địa điểm có dấu hiệu của di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan để nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng. Năm 2018, ngành đã lựa chọn lập hồ sơ khoa học 2 di tích để xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và đang tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm kê và công bố danh mục di tích trong năm 2019 - 2020. Ðối với công tác trùng tu, tôn tạo di tích bước đầu đã được ngành quan tâm bảo vệ nguyên trạng, chống xâm hại, xuống cấp và đầu tư cơ sở hạ tầng như: Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, động Pa Thơm, hang Mường Tỉnh… Mặt khác, Sở cũng tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, ngành trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác phát huy giá trị di tích và làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa và đã đạt được một số kết quả khả quan. Qua đó, phát huy thêm các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, lượng khách du lịch tăng hàng năm, góp phần tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Cụ thể: năm 2016 có 480 nghìn lượt người (khách quốc tế 80 nghìn lượt người), doanh thu dịch vụ du lịch 710 tỷ đồng; năm 2017 có 600 nghìn lượt người (khách quốc tế 120 nghìn lượt người), doanh thu dịch vụ du lịch 950 tỷ đồng; ước tính năm 2018 có 750 nghìn lượt người (khách quốc tế 170 nghìn lượt người), doanh thu dịch vụ du lịch 1.180 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 13.500 lao động, trong đó lao động trực tiếp đạt 5.500 người, lao động gián tiếp đạt trên 8.000 người. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: tình trạng một số hộ dân tự ý xây dựng, lấn chiếm trên đất di tích (2 hộ dân làm nhà gần điểm di tích đường kéo pháo bằng tay, Tượng đài kéo pháo của bộ đội ở xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên); 1 hộ dựng lán nằm trong đất khu vực bảo vệ II thuộc điểm di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng; 6 hộ thuê máy xúc, múc đất, lấn chiếm vào ta luy đất đồi di tích Ðộc Lập, xã Thanh Nưa); cho doanh nghiệp thuê đất (mở quán giải khát và trồng, đặt cây cảnh) sử dụng sai mục đích tại khu vực bảo vệ I của di tích Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ (thuộc di tích quốc gia đặc biệt) trái với quy định; tình trạng đường dân sinh đi giữa khu di tích hầm Ðờ Cát; công tác vệ sinh, môi trường tại một số điểm di tích chưa được quan tâm, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan vẫn còn diễn ra; công tác duy tu bảo dưỡng công trình chưa thường xuyên dẫn đến Khu di tích đề kháng Him Lam xuống cấp, một số bia đá bị sứt mẻ, cây dại phát triển xâm lấn vào kết cấu công trình ảnh hưởng đến mỹ quan di tích; việc cắm mốc bảo vệ các điểm di tích tuy đã được quan tâm nhưng kết quả đạt thấp, chỉ có 2/21 di tích lịch sử được cắm mốc các khu vực bảo vệ (di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ và di tích lịch sử văn hóa thành Bản Phủ); các điểm di tích lịch sử chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013…

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HÐND liên quan đến việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, đa số các đại biểu tham dự phiên họp của Thường trực HÐND tỉnh đều ghi nhận và đánh giá sự nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử, công trình văn hóa, danh lam thắng cảnh… Tuy nhiên, một số đại biểu HÐND tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một trong những nguyên nhân đó là, bộ máy quản lý di tích chưa được kiện toàn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trình độ chuyên môn hạn chế, nhất là cán bộ làm công tác trùng tu, tôn tạo di tích dẫn đến việc thẩm định Dự án Xây dựng đường vào và công trình phụ trợ hang động di tích cấp quốc gia, danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè và Khó Chua La, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) chưa chặt chẽ, chưa đúng trách nhiệm của cơ quan quản lý về di sản văn hóa, không đảm bảo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, dẫn đến sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quảng bá về du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đồng bộ, hiệu quả phát huy giá trị di tích chưa tương xứng với tiềm năng…

Ðể khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo, Thường trực HÐND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã được ngành xác định. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để giải quyết các tồn tại trong công tác bảo tồn và tôn tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý, bảo vệ các công trình di tích; nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt dự án phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến hoạt động tu bổ, phục hồi di tích; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ở những nơi có đủ điều kiện); tích cực tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân về Luật Di sản văn hóa bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng, người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích; xã hội hóa việc xây dựng các công trình vệ sinh trong khu di tích, danh lam thắng cảnh. Phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn đúng, kịp thời UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, công trình văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương nhất là phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Tuần Giáo xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền công trình cầu qua suối, đường vào hang Thẩm Púa (nơi đặt Sở chỉ huy đầu tiên). Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…. Ðặc biệt, trước mắt Thường trực HÐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm việc cho thuê, sử dụng đất di tích lịch sử sai mục đích đảm bảo trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật đó là tháo dỡ hàng quán giải khát khu ngã ba vào Hầm tướng Ðờ Cát và đường đi xã Thanh Luông; tham mưu cho UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu không đúng các quy định của pháp luật liên quan đến việc xâm phạm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; thẩm định các dự án trùng tu, tôn tạo di tích… giải quyết được những vấn đề như vậy mới phát huy được các giá trị di tích lịch sử và thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.