Tết Mường Ảng

Thứ Hai 13:33 28/01/2019

ĐBP - Khoảng thời gian chưa lâu (những năm 80, 90 của thế kỷ trước) tết Mường Ảng thật ấm áp. Cư dân đất “Mường Khoe” ăn tết, chơi tết hồn nhiên, đơn sơ nhưng đầy ý vị. Trong các bản Thái, trống xòe âm âm suốt từ hăm chín, ba mươi đến giữa tháng giêng; quả còn bay trên đám ruộng vừa gặt, bãi đất trống… một bầu trời chỉ “ưu tiên” cho xuân bay lên. Ngoài thị trấn, đủ các sắc màu Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh; tiếng gọi nhau, tiếng hỏi thăm, chào mời… hơi men chen nắng không dứt ra được.

 

Mường Ảng (theo cách tính dân gian hồi ấy, gồm: thị trấn Nông trường Mường Ảng, các xã Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở) rộng mênh mông. Từ đèo Tằng Quái nhìn xuống chỉ thấy cây lá ánh lên. Gần như trăm phần trăm nhà mái gianh, thi thoảng có mái ngói nhưng cũng bị lọt thỏm xuống cái gam màu chung. Ten (một loại cây lấy tinh dầu), dù đã vãn đi rất nhiều nhưng vẫn là chủ nhân xanh. Câu chuyện ten, những sự kiện có ten làm nhân chứng… cứ râm ran, rì rầm bên nồi bánh chưng… củi ten. Lúc ấy chả ai nghĩ Mường Ảng sẽ đi về đâu nếu một ngày nương đồi hết ten. Niềm vui đón tết, cứ bay lên theo ngọn khói thơm nồng. Cái bếp quây quần, uống rượu, tiếp khách, ăn cơm, ngủ nghỉ… Tết đến đầu tiên từ ngọn lửa, hương bánh chưng đầu tiên cuộn quẩn, nhìn nhau nao lòng. Người xa quê, những chiến sĩ Ðiện Biên về lập Nông trường Mường Ảng, những anh chị rời quê Thái Bình, Hưng Yên… theo “tiếng hát con tàu”, những thầy cô giáo khoác ba lô căng sách lên Tây Bắc cùng bà con địa phương no đói vui buồn, hướng tới tương lai. Tiếng Kinh, tiếng Thái vào lòng nhau; văn hóa các quê sang nhau; rồi khuôn mặt, giọng nói những đứa trẻ cũng bắt đầu thấy một phần Thái Bình, một phần Ẳng Cang. Nét Mường Ảng bắt đầu tạo lập. Mường Ảng biết hết nhau, ai là khách không giấu được. “Chả quen mà được chào hỏi như người làng”, “Thì cô là khách mới đến, phải quan tâm chứ, hỏi thăm biết đâu lại đồng hương”. Tình ấm như thế, những người xa xứ đều như thế. Tha hương, nơi tận cùng non thẳm, sau đêm quờ tay chỉ được cái chăn, những ngày khóc nhớ bu; tất cả gần lại, yêu thương và đùm bọc, vượt lên gian khó. Bây giờ nói chuyện này cho con cháu nghe, chúng bảo “chém gió”. Hồi ấy nhẹ như không. Này, lên đèo Tằng Quái lấy củi, chuối tía, vào Cô En, Huổi Mánh Ðanh lấy bon… vai sáu bảy chục cân mà vẫn ngắm mây bay. Này, cơm ăn mắm tôm, muối riềng mà bụng hát. Này, xem phim một đôi tháng một lần, màn ảnh rộng, “ghế đất”, thậm chí phải xem “chiếu phim mồm” mà vẫn sảng khoái bay bổng. Tết đến là dịp nhân lên tình hàng xóm láng giềng. Mùng một, gần như cả thị trấn đi chúc nhau. Những câu chúc từ ngày xửa, ngày xưa bu bầm dạy ran ran. Từng đoàn, từng đoàn như thế, phơi phới trong nắng. Chuyện ăn cỗ tết cũng theo tập thể, đa số các nhà đều trẻ, sự kiêng kị cũng chỉ “nhịn” đến nửa sáng mùng một. Từ bữa trưa ngày đầu năm trở đi là luân phiên uống rượu với nhau. Nhà này có giò, nhà kia mổ lợn, nhà ấy năm nay hẹp hẹp, nhà nọ năm nay to đùng… Chả bận tâm, vô tư tất cả vợ chồng con cái hai, ba bên, ăn uống, chuyện trò, cười nói.

Cái tết tình thân Mường Ảng chan hòa trong vắt anh em ấy mỗi lần nhớ, tôi lại rưng rưng, ước ao. Bây giờ tôi nghĩ, hồi ấy đất trời tinh khiết, hồi ấy chưa nhà ai xây tường rào, chưa có khóa số… Năm 1988, tôi là một thanh niên tập thể, tết đến là sợ nhất. Khi đi mổ lợn, khi gói bánh chưng giúp, rồi uống rượu tưng bừng… điều đó làm tan đi những cảm giác cô đơn, nhớ nhà. Nhưng khoảng thời gian trước và sau giao thừa mới là đáng sợ. Bàn thờ tết, tôi rất nghiêm chỉnh - bánh chưng mấy anh chị đồng nghiệp tặng, cành đào rừng dân bản cho, vài loại quả thì tự mình xuống chợ… đầy đủ đúng theo truyền thống. Nhưng, sự ổn về vật chất không làm sao thay thế được nỗi thèm hơi ấm gia đình, làng quê. Thắp hương lúc 0 giờ, lời chuyển tới tổ tiên, trời đất xong… tôi đi đi lại lại trong căn phòng vách đất, ánh sáng của ngọn đèn dầu tự chế. Rồi ra sân, hít hà hương xuân, hương thuốc pháo vẫn còn vương… Tôi chỉ muốn hét to lên một tiếng, là gì không biết nhưng âm thanh sẽ nối thật chặt một chàng trai với Mường Ảng. Tôi tin như thế, định, rồi chỉ khe khẽ nói thầm với lòng mình. Năm mới, tương lai một màu mới… Sáng mùng một, đang còn trong chăn thì tôi nghe tiếng ngoài sân: “Con An đâu… Năm mới đến chúc con”. Tôi mơ màng, rồi bật dậy mở cửa. Một ông già người Mông, cầm con dao dài, nhọn bước vào. Tôi ngồi xa xa, rồi ra cái phích, suy nghĩ lo sợ. Thời gian không cho lâu, tôi lại bàn. Ông già giơ con dao lên, rồi nâng bằng cả hai tay: - Năm mới tặng cho con một con dao. Tôi ngơ ngác không hiểu thì ông lại tiếp: - Nó làm được nhiều việc lắm, bạn tốt của mình đấy! Bây giờ thì tôi đã hiểu, quà này hơn hết mọi phong bao lì xì, thật sâu sắc triết lý. Nâng con dao như báu vật, tôi chợt nhớ đến một câu truyện cổ tích đại ý: Có ông nọ, khách thần đến xin ngủ nhờ… vàng, bạc từ chối, cuối cùng chỉ nhận thần sắt. Sắt, trăm nghìn việc từ cái sắc, cái nhọn, bao nhiêu ý chí được tôi luyện bên trong… Ý nghĩ ấy khiến tôi thấy tầm vóc ông già người Mông chợt to lớn. Xúc động qua đi, giờ thì bối rối, tôi muốn mời ông già ăn tết với mình. Chỉ còn một cái bánh chưng và gói kẹo, “mâm cỗ” tết cũng được sắp ra.

Từ tết đấy, lâu lâu tôi lại được ông già đến chơi, khi cho cái bánh dày, lúc con gà bé… Tôi xấu hổ cho tôi, chỉ một lần lên bản với con trai ông mà ông ân tình quá.

Mường Ảng đất mát lành dịu ngọt. Cái đẹp nơi đây ở sâu trong tình nghĩa đơn sơ ấm áp. Cũng một tết, anh Dung (bản Cô En, xã Ẳng Cang) và hai đứa con (chừng 7, 8 tuổi) ra nhà tôi. Tôi quen anh… vẫn là cái sự quen “ăn người”. Nhà anh có chục cây mơ, đến mùa mang ra chợ bán, vợ tôi gọi vào nhà, anh bán như cho, lại còn biếu hẳn một cân. Sẵn có mấy quyển vở không dùng hết, tôi tặng anh, nói rằng cho các cháu. Anh cảm ơn, xúc động, rồi tết đấy, trưa mùng một, nhà tôi có tiếng gọi. Tôi cùng vợ ra đón, chúc. Anh kéo hai đứa con đứng trước mình, bắt chúng khoanh tay rồi anh chúc tết. Tôi nhìn hai đứa trẻ thấy tồi tội… vô lý làm sao! Như kiểu làm lễ trước ân nhân.

Cái đẹp Mường Ảng phô ra ngoài hết vào dịp xuân về. Người già áo cóm, áo chàm sẫm màu, cười tươi, chuyện vui, râm ran ngoài đường. Người trẻ, nhất là con gái váy áo, lưng ong từng đoàn, từng đoàn đi chơi tết. Những lần ngược đoàn ấy, tôi mải mê ngắm các em. Một luồng gió thơm hương thiếu nữ ào ạt vào tôi. Nếu mà biết làm thơ chắc chắn tôi sẽ ví các em như tiên nữ, như dòng suối mát lành, như nắng mật ong…

Chục năm rồi tôi xa Mường Ảng, nhưng thỉnh thoảng đêm vẫn mơ về nơi ấy gặp lại những gương mặt anh em, bạn bè. Ðây con đường sang Ẳng Cang, gốc mít bản Hón Sáng; kia đường vào Ẳng Nưa, qua C3, qua mênh mang ngô xanh mướt, là đến bản Na Luông… Anh Pản, anh Dung, ông Ín có còn nhớ tôi?!.

Năm hoặc hơn năm tôi gạt hết mọi việc để về chơi “nhà mình”. Mỗi lần khi qua đèo Tằng Quái là mỗi lần thêm ngạc nhiên, phấn khởi. Mường Ảng bây giờ thành huyện mới của Ðiện Biên, các bản ở các xã cũng có sự chia tách. Ðường đi bản bây giờ… như phố; từ thị trấn Mường Ảng muốn đến bản của Ẳng Cang, Ẳng Nưa hay vào Mường Ðăng thật thuận lợi. Xe máy hết đường nhựa, đã có đường cấp phối vẫn bon bon. Hai bên đường, nổi bật là màu xanh của cây cà phê, hàng hàng lối lối vươn cành tỏa tán. Tôi cố tưởng tượng, mãi mới hình dung được những chỗ ấy hồi xưa… là rừng ten, rừng trẩu, nương ngô, sắn…

Tết này, tôi lại về Mường Ảng, đi trong âm âm tiếng trống xòe, ngân ngân câu khắp: Ai về Mường Ảng mùa xuân/ Ngân nga cây trái trong ngần nắng mai. Câu thơ không biết của ai cứ văng vẳng trong tôi dọc con đường xanh bạt ngàn cà phê, đồng lúa.