Chiếc xe cút kít trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ

Thứ Năm 9:24 25/04/2019

ĐBP - Những ngày cuối tháng tư, trong tiết trời oi bức của nắng nóng đầu hè nhưng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ vẫn đón rất nhiều lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan mỗi ngày. Tại khu vực nhà trưng bày, từng đoàn khách từ 20 - 30 người chăm chú lắng nghe các thuyết minh viên giới thiệu về các sự kiện lịch sử, từng hiện vật trưng bày tại đây. Trong các đoàn khách tham quan đến từ mọi miền Tổ quốc, có rất nhiều em nhỏ và các cụ già. Thi thoảng xen giữa lời của thuyết minh viên là những tiếng trầm trồ ngạc nhiên thú vị khi nghe chuyện kể về mỗi hiện vật.

 

Thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ giới thiệu với du khách chiếc xe cút kít của ông Trịnh Ðình Bẩm.

Ðiểm thu hút nhiều du khách dừng chân lâu nhất là khu vực trưng bày những hiện vật thô sơ của dân công làm đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Có lẽ với rất nhiều du khách từng đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ xúc động nhất là câu chuyện về chiếc xe cút kít - một trong hàng trăm hiện vật đang được trưng bày tại đây. Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Ðình Bẩm đã thể hiện ý chí, tinh thần khắc phục khó khăn, không quản ngại gian khổ của người nông dân Việt Nam “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” trong suốt những ngày tháng diễn ra chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử 1954. Câu chuyện về người nông dân nghèo Trịnh Ðình Bẩm ở xóm Phú, xã Ðịnh Liên, huyện Yên Ðịnh (Thanh Hóa) là một trong vô vàn câu chuyện cảm động về khí thế thi đua yêu nước, tinh thần cống hiến sức người, sức của của người dân mọi miền Tổ quốc hướng về Ðiện Biên Phủ bảo đảm hậu cần phục vụ chiến đấu.

Giống như hàng triệu nông dân khác thời kỳ đó, sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến và thực dân, được làm chủ nông thôn, có ruộng đất trong tay để cày cấy ông Bầm cùng gia đình hăng hái tăng gia sản xuất. Khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ diễn ra, gia đình ông tích cực đóng góp gạo nuôi quân và tiên phong đi dân công phục vụ chiến dịch. Ngày ấy phương tiện đi lại vô cùng khó khăn, thiếu thốn nói gì đến việc có xe để vận chuyển lương thực thực phẩm lên phục vụ chiến dịch. Ðể có phương tiện vận chuyển lương thực, ông Bầm đã tự tay đóng chiếc xe cút kít cho mình. Chiếc xe cút kít do ông Bầm tự chế có hình chữ A, dài 206cm. Càng xe làm bằng gỗ có ghi số 2810 - 229, hai chân chống làm bằng tre. Bánh xe có đường kính 75cm được ghép bởi 3 mảnh gỗ khác nhau. Trong 3 mảnh gỗ đó có 1 mảnh được sơn son thếp vàng, có những đường hoa văn đỏ, vàng xen lẫn nhau rất đẹp - đây chính là mảnh gỗ ông lấy từ bàn thờ thờ cúng gia tiên của gia đình mình.

Chiếc xe cút kít của người dân công Trịnh Ðình Bầm dù thô sơ, song đã làm được điều phi thường trong điều kiện giao thông đi lại vô cùng khó khăn ngày ấy. Với chiếc xe này, trên đoạn đường dài từ Sách Lược đi lên phố Cống đến Trạm Luồng ở Thanh Hóa, ông Bầm đã chở 280kg/chuyến. Không quản ngại khó khăn, đường xa, dốc cao, vực thẳm, trong suốt thời gian vận chuyển lương thực gần 4 tháng trời, cứ 3 ngày một chuyến, ông Bầm đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Với thành tích đó, ông Trịnh Ðình Bẩm đã được Hội đồng Cung cấp Liên khu IV tặng Bằng khen và được tuyên dương trong toàn tỉnh.

Những cống hiến của những dân công như ông Trịnh Ðình Bẩm đã cho thấy tinh thần “cả nước cùng ra trận”, góp phần làm nên thành công của chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trong điều kiện đời sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều nơi không đủ ăn đủ mặc nhưng lượng lương thực do người dân mọi miền đóng góp được lực lượng dân công vận chuyển lên Ðiện Biên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khắp nơi từ Liên khu III, Liên khu IV… những người nông dân với các phương tiện vận chuyển thô sơ đã dồn công sức, tài sản để phục vụ chiến dịch.

65 năm trôi qua kể từ ngày chiến dịch toàn thắng, chiếc xe cút kít nổi tiếng của người dân công Trình Ðình Bẩm hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay và giới thiệu cho du khách gần xa về ý chí, tinh thần và nghị lực của nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.