Tắc Tình nối ân tình Ðiện Biên - Lai Châu

Thứ Ba 9:25 07/05/2019
ĐBP - Các bạn viết văn, viết báo ở Lai Châu đưa tôi về bản Tắc Tình, xã Bình Lư (huyện Tam Ðường). Nơi đây có gần hai trăm  khẩu của bản Chi Luông, bản Ðớ vùng sông nước Nậm Lay chuyển về tái định cư.

Lòng tôi xốn xang, đau đáu muốn gặp lại bà con bản Chi Luông, bản Ðớ. Những người anh, người chị của dòng họ Chui, họ Lò, họ Thùng trụ lại ở một bản mới gọi tên là Tắc Tình, tên của dòng thác chạy theo dãy núi Hồ Thầu.

Gặp nhau, chúng tôi hể hả nói chuyện kẻ ở người đi khi tách, lập tỉnh mới. Người cùng một tỉnh giờ chia hai như anh em một mẹ sinh đôi. Anh Lò Chiến một thời làm Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu cũ), anh là nhà nghiên cứu dân tộc nói:

- Mình muốn về Ðiện Biên lắm, nhớ từng con đường góc phố, mà một thời thường hay gọi: Nhà không số, phố không tên. Những bãi chiếu phim Nghé Toong, Ðồi Cao một tuần có hai buổi vào tối thứ bảy, chủ nhật. Chỉ mong ăn cơm sớm ra bãi có chỗ ngồi, các bạn nam nữ Thái thấy người lạ thường hay hát ghẹo. Hát sau buổi tan phim, đến khi không còn một bóng người. Cũng từ những lời hát ghẹo đó anh đã kết duyên với chị Cắm dân tộc Thái bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa (Mường Lay cũ). Giờ đã thành ông thành bà có cháu nội cháu ngoại, các ông như đã mãn nguyện nói về nỗi nhớ Mường Lay, Ðiện Biên hôm nay.

Mải vui chuyện, xe đến đường rẽ vào bản Tắc Tình nơi ở của bà con bản Chi Luông, bản Ðớ, chúng tôi chào khách trên xe, chúc một chuyến xe vui vẻ và an toàn. Về bản, nghe tiếng trống xòe từ xa càng rạo rực, những chiếc nhà sàn nép mình trong sương hiện dần, lòng người già về thăm quê mới lại càng xao xuyến. Thật cũng có lỗi mười lăm năm mới về thăm bà con anh em, họ mạc. Từ xa mấy cụ già cùng trang lứa biết chúng tôi là những người con của dân tộc về thăm. Ông Lù Lim người con của bản Chi Luông cũ Mường Lay đến ôm chầm lấy tôi:

- Ông Lèng à! Còn nhớ bản mình à! Thằng Lim ngày xưa đấy, hồi làm cán bộ thống kê xã Lay Cang mà (châu Mường Lay cũ).

- Ồ nhớ rồi! Nhớ mới về chứ.

- Ông có nhớ ông Păn, ông Lả đây không?

- Ừ cũng nhớ nhớ lắm, nhớ mới về thăm nhau chứ.

Nhiều nhà điện đã sáng cả một góc rừng, lòng chúng tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa. Ông Huỳnh Nguyên cả một đời thấm đẫm với nỗi nhọc nhằn nơi vùng đất ở chân trời thốt lên:

- Chào những người anh em - Lão viết văn Huỳnh Nguyên đây, ông Păn, ông Lả bắt tay rối rít.

- Ừ nhớ rồi! Nhớ thật nhiều! Ông viết nhiều chuyện trên đèo Giang Ma, bọn Tây nó lùng đến trong những ngày tết, để tìm cán bộ Việt Minh, nhân dân giấu cán bộ đưa lên rừng, bỏ cả ngày vui tết mà. Bọn Tây bắt được người dẫn đường tên anh là Thào Xinh, nó tra tấn anh. Dân tộc Mông và Dao thương lắm.

- Thế các cụ cũng nhớ chuyện mình à?

- Nhớ nhiều chuyện ông Lèng kể cán bộ công an của tỉnh Lai Châu mình mà, truy tìm bọn biệt kích thám báo lẩn trốn trong động Bình Lư (Tiên Sơn). Già rồi mới có thời gian đọc báo. Sao mấy cụ giỏi viết nhiều chuyện hay thế.

Ông Lò Văn Chiến thêm vào:

- Ấy là ngày xưa bọn mình được ăn nhiều cơm độn củ nâu, củ mài được dân nuôi nhiều lắm. Bây giờ mới nhớ lại để viết...

Cụ Lò Păn thì giơ tay xua:

- Các cụ là người họ Lò, họ Thùng nhà mình cả mà. Cụ Lim nói ít thôi để các cụ vào nhà nghỉ đã, uống nước, uống rượu ta kể nhiều chuyện vui lắm. Chuyện nhớ bản, nhớ nhà bản cũ, già mà như đứa trẻ, nhớ nhiều lắm. Mấy ông còn định bảo con cháu cho về bản cũ, để thăm mồ mả tổ tiên.

Những chén rượu mừng khách về bản sóng sánh như mật ong, rượu gạo nếp ủ cả năm để đón chờ khách quý của nhà cụ Păn được rót ra, gần 10 cụ đầu râu tóc bạc ngồi quây quần bên nhau.