Phong phú di sản văn hóa ở Ðiện Biên

Thứ Tư 9:56 19/06/2019
ĐBP - Ðiện Biên có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Trong cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại là một kho tàng di sản văn hóa, tín ngưỡng mang sắc màu độc đáo; trong đó có đến 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản được công nhận mới đây nhất (đầu năm 2019) là Tết Hoa mào gà của dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú của dân tộc người Hà Nhì. Ðó là vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc tỉnh nhà; đồng thời khẳng định sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc.

 

Nghi thức cúng thần rừng trong Lễ Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Cùng với 6 di sản đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trước đó là: Xòe Thái; Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ) tại xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên); Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát (phường Na Lay, thị xã Mường Lay); Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng (xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng); Tết Té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà). Tết Hoa mào gà của cộng đồng dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đã làm cho hệ thống văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Ðiện Biên càng thêm phong phú, khẳng định những giá trị to lớn trong đời sống văn hóa đã được đồng bào các dân tộc cùng nhau gìn giữ và phát huy.

Tết Hoa mào gà còn gọi là Tết Hoa (theo tiếng của người dân tộc Cống là Mền loóng phạt ái), được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm (khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch). Ðây là thời điểm khi vụ mùa đã thu hoạch xong, công việc nương rẫy kết thúc. Tết Hoa là dịp để đồng bào chuẩn bị đón mừng năm mới, cùng hướng về cội nguồn tổ tiên, cùng tôn vinh bản sắc, nét đẹp truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mình. Theo phong tục, trước Tết Hoa chừng hơn một tháng, người Cống sẽ chọn ra những cặp sản vật ngon nhất, quý nhất của mùa vụ trong năm như: Bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, gà, rượu để dâng lên thần linh và tổ tiên. Sau khi đã hoàn tất khâu chuẩn bị lễ vật, trai tráng trong bản bắt đầu rèn luyện sức khỏe để tham gia thi đấu trong lễ hội. Phụ nữ Cống chọn trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc vào ngày Tết. Trước ngày Tết Hoa, già làng phát lệnh cấm bản (người trong và ngoài bản không được tự do ra vào). Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Trước đây, Lễ diễn ra từ 3 đến 4 ngày, nay rút ngắn lại chỉ còn 1 ngày, 1 đêm.

Tết Hoa gồm có hai phần: Lễ và hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà của thầy cúng hoặc trưởng dòng họ. Ngay từ sáng sớm, chủ lễ mỗi gia đình sẽ lên nương hái hoa về trang trí trong nhà. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp; loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm - dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp bản làng. Sau nghi thức tế lễ tại nhà già làng, những hoạt động như: đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát mới được bắt đầu. Cả bản tưng bừng trong điệu xòe đoàn kết, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống rồi nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra xung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở...

Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản còn có nghĩa là “cấm bản”) là một trong những nghi lễ quan trọng của người Hà Nhì thể hiện sự gắn bó giữa con người với môi trường xung quanh. Ðó là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, là dịp để con người giải tỏa, giãi bày phiền muộn lo âu với thần linh, mong được giúp đỡ che chở vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Lễ cúng bản Gạ Ma Thú được tổ chức vào những ngày con hổ (Khà là), con trâu (Nhù no), con dê (Gió no) của tháng 2 âm lịch hàng năm, gồm nhiều lễ cúng và mọi sinh hoạt tín ngưỡng, vui chơi được điều hành bởi thầy cúng và trưởng bản.

Trước ngày lễ, mọi người trong bản họp bàn, phân công chuẩn bị đồ lễ cúng, chọn thầy cúng. Nghi lễ phải có đủ 6 mâm cúng, gồm: Mâm cúng đầu bản, mâm cúng cổng bản, mâm cúng thần Núi (phía Tây), mâm cúng thần Lửa (phía Nam), mâm cúng thần Ðất (phía Bắc) và mâm cúng thần Rừng (phía Ðông).

Việc Tết Hoa mào gà của cộng đồng dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú của cộng đồng dân tộc Hà Nhì được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một động lực không nhỏ để các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.