Diễn xướng sáo mũi - nghệ thuật dân gian độc đáo của đồng bào Khơ Mú

Thứ Năm 8:02 04/07/2019
ĐBP - Ở Ðiện Biên, người Khơ Mú là một trong các dân tộc bản địa, sinh sống từ rất lâu đời. Họ cư trú trên các vùng núi cao và sống tập trung chủ yếu tại các huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông và huyện Mường Chà. Người Khơ Mú ở Ðiện Biên hiện nay có khoảng trên 16 nghìn người, đời sống dựa vào gieo trồng trên nương rẫy. Bên cạnh những phong tục, tập quán truyền thống mang màu sắc riêng, cộng đồng người Khơ Mú tại Ðiện Biên còn lưu truyền nhiều hình thức diễn xướng và các nhạc cụ dân gian độc đáo. Tiêu biểu trong số đó là cây sáo hai lỗ và nghệ thuật trình diễn sáo mũi. Hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian độc đáo này đang được lưu truyền bởi nghệ nhân Quàng Thị Dua ở bản Púng Giắt, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà). 

 

Nghệ nhân Quàng Thị Dua biểu diễn sáo mũi .

Căn nhà sàn của nghệ nhân Quàng Thị Dua nằm cheo leo trên lưng núi. Sống giản dị, niềm tự hào của bà Dua là những tấm giấy khen bà nhận được trong các cuộc thi trình diễn nghệ thuật dân gian. Khi còn là thiếu nữ 15 tuổi, với khuôn mặt nhỏ nhắn, mái tóc buông xõa, Quàng Thị Dua đã biết thổi sáo thành thạo. Tiếng sáo của Dua là tiếng lòng của người con gái Khơ Mú nói lên tình yêu gia đình, nói về lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Khi biết rung động trước chàng trai của đời mình, Dua cũng thổi sáo nói lên tình yêu thủy chung, son sắt. Thời gian trôi qua thật nhanh, cô gái ngày nào giờ đây tóc đã ngả màu, nhưng tiếng sáo vẫn dìu dặt, da diết như ngày nào. Nghệ nhân Quàng Thị Dua tâm sự: Từ lúc mới 15 tuổi bà đã biết thổi sáo. Bà thấy mẹ đi nương thổi sáo cho đỡ buồn, đỡ mệt thì bà cũng học thổi. Cây sáo này làm bằng tre, bà lên nương lấy ống tre về tự làm để thổi. Người Khơ Mú thường thổi sáo lúc lên nương, lúc tiễn người yêu đi xa, thổi sáo nói về công ơn cha mẹ. Thổi sáo mũi khó lắm, phải tập nhiều, phải biết lấy hơi mới thổi được. Bài hát, múa thì tự mình sáng tác lấy thôi.

Cây sáo hai lỗ được người Khơ Mú gọi là pí tót. Xưa cây sáo này như vật bất ly thân của người phụ nữ Khơ Mú. Sáo theo họ lên nương, sáo bên họ những đêm trăng tâm sự cùng người thương, sáo cùng họ cất lên những bài ca vui tươi trong ngày hội bản. Cùng với múa tăng bu, tăng bẳng, múa đao đao, thổi sáo và hát tơm là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khơ Mú. Cây sáo hai lỗ của họ có thể thổi theo hai cách: Cách thông thường là thổi sáo bằng môi, nhưng cách tấu sáo đặc biệt hơn cả lại là thổi sáo bằng mũi. Sáo mũi của người Khơ Mú làm từ ống tre, loại tre nhỏ có ống dài và thẳng. Ống tre được cắt dài khoảng 50cm, 2 đầu được bịt kín bởi 2 đốt của ống tre, trên thân sáo đục 2 lỗ nhỏ, 1 lỗ ở đầu trên dùng thổi hơi vào, 1 lỗ ở đầu dưới dùng để bấm chỉnh âm thanh. Người thổi sáo phải biết cách lấy hơi, giữ nhịp, dùng hơi từ mũi thổi vào lỗ sáo để tạo thanh âm và tiết tấu. Khi biểu diễn sáo mũi, nghệ nhân chỉ dùng một tay vừa giữ cây sáo đúng vị trí, vừa bấm lỗ sáo, còn tay kia múa theo điệu nhạc. Cách tấu sáo của phụ nữ Khơ Mú còn đặc biệt ở chỗ, người độc tấu vừa thổi sáo vừa chen vào giữa những khúc nhạc du dương lời hát trữ tình. Khi biểu diễn họ nhún nhảy, lắc eo theo điệu nhạc, khiến cả thân hình trở nên uyển chuyển. Các bài hát phần lớn đều do họ ứng khẩu theo các làn điệu dân ca cổ.

Biểu diễn sáo mũi vừa thể hiện được sự tài tình của người phụ nữ Khơ Mú, vừa rất hấp dẫn bởi đi kèm với tiếng sáo là lời ca và điệu vũ uyển chuyển. Bao nhiêu năm nay nghệ nhân Quàng Thị Dua đã gìn giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này. Bà cũng mang tiết mục độc tấu sáo mũi đi biểu diễn ở nhiều nơi. Người còn biết tấu sáo mũi như bà lâu nay hiếm gặp nên nhiều năm nay bà vẫn không ngừng tìm kiếm truyền nhân. Tuy nhiên lớp trẻ ngày nay không phải ai cũng muốn học cách diễn xướng này, bởi tấu sáo mũi không dễ. Ðến nay nghệ nhân Quàng Thị Dua chỉ mới tìm được một người cùng bà yêu cây sáo tre và cùng nhau luyện nghề tấu sáo mũi truyền thống. Nghệ nhân Quàng Thị Dua cho hay: “Tôi muốn dạy cho các con cháu của mình biết thổi, nhưng các cháu bây giờ bảo: Thổi cái này khó lắm, không ai thổi được đâu. Giờ thì có em gái học theo, thổi được nhiều bài rồi”.

Chị Quàng Thị Típ là em gái nghệ nhân Quàng Thị Dua. Thấy chị gái mình thổi sáo hay và được đi biểu diễn ở nhiều nơi, chị Típ cũng muốn theo học. Dòng máu yêu văn nghệ chảy trong hai chị em đã giúp chị Típ nhanh chóng học được cách thổi sáo và cả những bài dân ca do chị gái truyền lại. Những buổi nông nhàn, hai chị em lại cùng nhau luyện sáo và học hát tơm. Những lúc cùng nhau thổi sáo họ lại nhớ về mẹ và cùng hát lên bài ca mồ côi xúc động, tưởng nhớ người mẹ đáng kính của mình.

Hát về cuộc sống xưa và nay, về cha mẹ, về công ơn Ðảng, Bác Hồ cho dân ta thoát khỏi cuộc đời nô lệ, tiếng sáo của hai chị em người Khơ Mú ở Mường Mươn như những câu chuyện cuộc đời. Cuộc sống giản dị, bình lặng của chị em họ luôn có lời ca, tiếng sáo làm nguồn vui. Họ đang nuôi mong ước sẽ trao truyền hình thức diễn xướng dân gian này cho nhiều người hơn nữa. Chị Quàng Thị Típ chia sẻ: “Tôi thấy các chị hát, thổi sáo hay quá nên tôi theo học. Giờ tôi cũng biết thổi nhiều bài như niềm thương nhớ cha mẹ sinh con ra, nuôi con nên người, nhưng cha mẹ không còn. Mẹ tôi mất rồi, chúng tôi hát bài mồ côi. Nhớ mẹ lắm, muốn khóc! Ngoài thổi được nhiều bài, tôi còn múa được nữa. Tôi muốn giỏi được như chị mình, sau này cũng được như chị đi biểu diễn ở nhiều nơi và dạy cho con em trong bản”.

Ðộc tấu sáo mũi là hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian chỉ có trong cộng đồng người Khơ Mú. Nghệ nhân Quàng Thị Dua là một trong số rất ít những người biết độc tấu sáo mũi hiếm hoi tại Ðiện Biên. Say mê với cây sáo dân tộc, bà cũng đang là người gìn giữ một hình thức diễn xướng nghệ thuật dân gian độc đáo. Ðiều mà bà vẫn luôn trăn trở là làm thế nào để lan tỏa tình yêu của mình tới thế hệ sau? Nghệ nhân Quàng Thị Dua luôn mong muốn sẽ có nhiều cô gái Khơ Mú biết biểu diễn sáo mũi hơn nữa. Ðể lời ca, tiếng sáo cha ông truyền lại mãi mãi là nguồn động viên, khích lệ cộng đồng người Khơ Mú vượt qua khó khăn và vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.