Nuôi dưỡng những người đọc tí hon

Thứ Sáu 9:18 05/07/2019

Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? Nên chọn sách gì cho con? Những yếu tố nào tham gia vào quá trình đọc của trẻ? Đó dường như là trăn trở chung của rất nhiều phụ huynh khi bắt tay vào việc tạo dựng thói quen đọc sách cho con. 

 

Muốn trẻ có thói quen đọc sách, cha mẹ phải mất nhiều công uốn nắn.

Thấu hiểu được điều này, nhiều đơn vị đã tiến hành xuất bản những ấn phẩm liên quan, có vai trò đồng hành và hỗ trợ cho phụ huynh.  

Bắt đầu từ nuôi dưỡng 

Theo tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh, sáng lập và điều hành dự án “Sách ơi mở ra”, bên cạnh những thói quen được hình thành một cách tự nhiên thì cũng có rất nhiều năng lực và thói quen của trẻ cần cha mẹ phải mất nhiều công uốn nắn. Năng lực đọc - viết và thói quen đọc sách là một trong số đó.

Đọc, được coi là một trong những năng lực quan trọng nhất giúp trẻ có thể học tập tốt các môn học ở trường cũng như có một kiến thức phong phú, một nền tảng tư duy vững chắc, một tâm hồn giàu cảm xúc - những yếu tố cần thiết để trưởng thành và trở thành một con người hiểu biết, nhân ái. Cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đồng hành, hỗ trợ trẻ trong suốt chặng đường dài lớn lên.

Mở đầu cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon (Nhã Nam và NXB Thế Giới), tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh đưa ra một dẫn chứng, đó là thí nghiệm của Nagy và Herman vào năm 1987 đã chỉ ra rằng: Nếu mỗi ngày đọc 20 phút, bạn sẽ tích lũy được 18 triệu từ mỗi năm. Những đứa trẻ dành thời gian để đọc trung bình 20 phút mỗi ngày thường đạt kết quả loại A trong trường học. Ngoài “lợi nhuận” về ngôn ngữ, theo tác giả Ngọc Minh, việc “đầu tư” 20 phút mỗi ngày để đọc sách cùng con, hoặc có cách nào đó để giúp con đọc sách 20 phút trước giờ đi ngủ, còn là khoảnh khắc tạo nên sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. 

Trong cuốn sách của mình, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh đã cung cấp và trang bị cho các phụ huynh rất nhiều thông tin và kỹ năng hữu ích, từ việc tạo lập không gian đọc để trẻ có cảm giác hứng thú với sách, đến việc chọn sách cho con theo từng độ tuổi khác nhau, hay tác dụng của việc cha mẹ tham gia đọc sách cùng con… Tất cả cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp con trở thành một người đọc độc lập.

“Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại khi thấy ở độ tuổi này, con chỉ thích đọc một loại sách và hoàn toàn từ chối những thể loại khác mà bố mẹ gợi ý. Song, điều này là hoàn toàn bình thường. Hãy coi sự lựa chọn độc lập đó là một bước tiến mới trong hành trình khám phá bản thân và khám phá thế giới của đứa trẻ”, tác giả Ngọc Minh cho biết.

Cùng nhấn mạnh đến vai trò và lợi ích của gia đình trong việc hỗ trợ trẻ nhỏ đọc sách là cuốn Người Mỹ giúp con ham đọc sách (Tủ sách Người mẹ tốt và NXB Phụ Nữ) do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ thực hiện. Cuốn sách gồm các hoạt động cho gia đình có trẻ nhỏ từ 0 - 6 tuổi. Các hoạt động được thiết kế giúp đem lại niềm vui cho các em nhỏ trong lúc cha mẹ hỗ trợ con đạt được những kỹ năng cần thiết để trở thành những người ham mê đọc sách. 

Gieo mầm tính cách 

Không phải ngẫu nhiên mà có ngay một đứa trẻ ham thích đọc sách, đây là kết quả từ một quá trình dài đòi hỏi nỗ lực và kiên nhẫn của cha mẹ. Bởi có rất nhiều trở ngại mà phụ huynh phải đối diện như con ghét sách, xé sách; kể cả cha mẹ không phải ai cũng có kỹ năng và tự tin để truyền cảm hứng đọc sách cho con. Tất cả những điều này được phản ánh sinh động trong cuốn sách Dạy con yêu sách gieo mầm tính cách (SkyKids và NXB Thế Giới) của nhóm tác giả Thư gửi con. 

Cuốn sách được chia thành 3 phần: Vun đắp tình yêu sách cho con từ khi còn nhỏ và lựa chọn sách phù hợp với từng nấc tuổi của con; vun đắp “bầu không khí sách” quanh con và vun đắp hứng thú cho trẻ bằng những tương tác với trẻ khi đọc sách. Trong mỗi phần đều được lồng ghép vào những câu chuyện và bài học được lấy từ chất liệu thực tiễn.

Theo nhóm tác giả, việc đọc sách từ sớm có thể giúp trẻ nâng cao tri thức, mở rộng tầm nhìn; thúc đẩy khả năng quan sát; phát triển và nâng cao năng lực tưởng tượng, năng lực tư duy và biểu đạt. Quan trọng hơn chính là việc hình thành tính cách sau này cho trẻ. 

Từ quá trình tìm hiểu thực tế, 3 tác giả Vũ Phi Yên, Trần Quỳnh Như và Khâu Thiên Viện đã cùng viết nên cuốn sách Đọc sách món quà mang cả tương lai (NXB Trẻ). Các bậc phụ huynh sẽ hiểu được vì sao có những đứa trẻ yêu đọc sách, cũng có nhiều trẻ lại không thích sách hoặc lơ là việc đọc. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng mang đến những phương pháp khuyến khích các em đọc sách bằng những cách thức thiết thực, cụ thể, đọc xong áp dụng được ngay; ngay cả trong trường hợp môi trường xung quanh không mấy thuận lợi.

Ngoài ra, 3 tác giả còn đem lại những nguồn tham khảo hấp dẫn, thiết thực, những nghiên cứu về tác dụng của việc đọc sách. Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu những hoạt động thú vị và bổ ích, mang tính tương tác cao, như khám phá một quyển sách, làm sách mi ni, làm kẹp sách, hang động Aladin…