Ðộng lực cho những “báu vật nhân văn sống”

Thứ Tư 8:23 17/07/2019
ĐBP - Nghệ nhân dân gian là “báu vật nhân văn sống”, giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian. Mới đây, với nỗ lực gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, Ðiện Biên có thêm 20 cá nhân tiêu biểu được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, nâng tổng số nghệ nhân ưu tú toàn tỉnh lên 28 người. Việc vinh danh này không chỉ là sự công nhận đối với các cá nhân mà còn có ý nghĩa đặc biệt cổ vũ tinh thần, tạo thêm động lực gìn giữ, trao truyền các di sản văn hóa tại cơ sở.

 

Nghệ nhân trình diễn dân gian và tín ngưỡng dân gian dân tộc Mông - Sình A Tâu (thôn Ðề Hái, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) biểu diễn khèn Mông tại Lễ hội Hoa Ban năm 2019.

Ðây là lần thứ 2 Nhà nước tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, Ðiện Biên có không ít người am hiểu, thường xuyên thực hành, truyền dạy di sản văn hóa và có uy tín, sức ảnh hưởng đối với cộng đồng, xã hội. Sau nhiều vòng lựa chọn, đánh giá, bình xét từ khu dân cư đến địa phương, Trung ương, tỉnh ta có 19 cá nhân được phong tặng, 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Ông Ðào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những nghệ nhân ưu tú được xét tặng đều là những cá nhân thực sự tiêu biểu xuất sắc đang nắm giữ các loại hình di sản văn hóa khác nhau của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian). Các nghệ nhân ưu tú được vinh danh đợt này đại diện cho 7 dân tộc, bao gồm: Thái (11 nghệ nhân), Mông (2 nghệ nhân), Khơ Mú (1), Dao (1), Lào (1), Cống (3), Xinh Mun (1). Trong đó có 12 nghệ nhân về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 nghệ nhân về tập quán xã hội và tín ngưỡng, 2 nghệ nhân nắm giữ đồng thời 2 loại hình trên và 1 nghệ nhân về lễ hội truyền thống.

Các nghệ nhân được vinh danh đều đã dành cả đời người cho việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tuổi đời đều từ 50 trở lên, có nhiều nghệ nhân đã rất cao tuổi. Cụ Lường Văn Mín năm nay 109 tuổi, người bản Nà Khuyết (xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ), trọn đời say mê, gìn giữ hồn pí (một loại sáo truyền thống) của người Thái trắng. Theo thông tin từ ngành Văn hóa, Nậm Pồ hiện chỉ có cụ Mín thuần thục sử dụng và chế tác cây pí. Thời trẻ, tiếng pí của chàng thanh niên Lường Văn Mín vang khắp vùng Ba Chà, không thể thiếu trong những cuộc vui của cộng đồng người Thái nơi đây. Ðến khi bước qua tuổi 100, cụ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và khi cầm cây pí lên, đôi tay cụ nhanh nhẹn, điêu luyện như bất chấp tuổi tác; tiếng pí thì vẫn trẻ, chan chứa và da diết kể những chuyện buồn, vui của người Thái trắng. Vì vậy dù trăm tuổi nhưng cụ Mín ít khi nào chối từ lời mời tham gia các hội diễn hay phục dựng lễ hội truyền thống trên địa bàn. Lần vinh dự nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú này cũng vậy, cụ được con cháu đưa từ Nậm Pồ ra TP. Ðiện Biên Phủ tham gia buổi lễ và chính tay cụ còn trao tặng cây pí lâu năm mà mình yêu thích cho đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Cụ Mín chia sẻ: Tôi rất vui vì đến cuối đời được nhận danh hiệu vinh dự này. Bây giờ, tôi ngày càng yếu hơn rồi nhưng vẫn sẽ nhắc nhở con cháu - những người tôi đã truyền dạy sử dụng, chế tác pí, thay tôi giữ cây pí, tiếng pí của dân tộc.

Là thế hệ sau, nghệ nhân Lý A Lệnh, dân tộc Mông (bản Chan 2, xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng) năm nay gần 60 tuổi nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông Lý A Lệnh còn nhiều thời gian và điều kiện hơn cụ Lường Văn Mín để góp sức phát huy giá trị, truyền dạy di sản mà mình nắm giữ, đó là sử dụng và chế tác khèn Mông, sáo Mông, đàn môi. Từ nhỏ, ông Lệnh đã say mê các nhạc cụ truyền thống của dân tộc và bắt đầu học múa khèn và làm khèn từ năm 15 tuổi. Hiện nay ông là 1 trong 2 người còn lại của huyện Mường Ảng có thể chế tác khèn Mông. Ông Lệnh đã dạy múa khèn, thổi sáo, đàn môi cho nhiều người nhưng chế tác các nhạc cụ thì không mấy ai kiên trì học được nên đây là điều mà ông luôn trăn trở. Chia sẻ tại buổi lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú, ông Lệnh tâm sự: Ðược Nhà nước ghi nhận những đóng góp của mình, tôi thấy có thêm nhiều động lực và nguyện nỗ lực cùng với những nghệ nhân khác tích cực luyện tập, tham gia biểu diễn phổ biến nét đẹp văn hóa dân tộc, cũng như truyền dạy cho các thế hệ con cháu để loại hình nghệ thuật này ngày càng phổ biến trong cộng đồng dân cư.

Cùng với các nghệ nhân được phong tặng, tỉnh ta có 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu vinh dự này là ông Nạ Văn Chăn (bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên). Ông Chăn nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian hát dân ca và múa của dân tộc Cống. Ông mất vào năm 2018 khi đang hoàn thiện các thủ tục xét tặng nghệ nhân ưu tú. Hình ảnh người vợ lưng còng, mắt rưng rưng trong trang phục truyền thống của dân tộc thay ông Chăn nhận tấm bằng vinh danh khiến đại biểu, những người tham gia buổi lễ đều nghẹn ngào, xúc động. Sự tôn vinh dù muộn vẫn luôn cần thiết và có ý nghĩa to lớn không chỉ ghi nhận những cống hiến của ông Chăn mà còn là sự khích lệ, tiếp lửa nhiệt huyết cho tất cả những người yêu văn hóa dân tộc tiếp tục gìn giữ và trao truyền di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể cần phải được bảo tồn trong chính đời sống cộng đồng. Bởi lẽ, cộng đồng không những là môi trường sản sinh ra các di sản văn hóa mà còn là nơi tốt nhất để giữ gìn, làm giàu và phát huy chúng. Di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ trong tâm thức và trí nhớ, thói quen của các nghệ nhân. Do đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc bảo vệ những nghệ nhân dân gian - những “báu vật nhân văn sống”. Nhà nước đã tôn vinh họ, giờ là trách nhiệm của địa phương cần thực hiện đúng, đủ, kịp thời những chính sách dành cho nghệ nhân mà họ xứng đáng được hưởng, tạo điều kiện tốt nhất để họ phát huy khả năng trong quá trình bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống.