Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái qua mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng

Thứ Năm 8:21 17/10/2019

Những năm gần đây, người dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm. Qua đó, góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nơi đây.

Nơi ngủ được thiết kế thân thiện, gần gũi bằng các sản phẩm chủ yếu từ bàn tay bà con dệt nên.

Ở tuổi 80 - cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Quàng Văn Yên, dân tộc Thái ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, sức chưa yếu. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài đan lát và chế tác các dụng cụ phục vụ sinh hoạt thường ngày của đồng bào Thái như: giỏ tre, tẩu nặm (bầu đựng nước), ép khảu (giỏ đựng cơm)… Các sản phẩm do ông làm ra đều được trưng bày tại nhà nghỉ cộng đồng của gia đình để du khách tham quan, trải nghiệm, hoặc mua về làm quà.

Từ khi hoạt động (năm 2017) tới nay, ngôi nhà sàn 5 gian, 2 chái làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng với đầy đủ vật dụng sinh hoạt, từ truyền thống đến hiện đại của gia đình đã đón hàng ngàn lượt du khách. Ông Yên vui lắm, vì được gặp nhiều người từ nhiều vùng miền khác nhau, hơn nữa là bản sắc văn hóa dân tộc Thái được nhiều người biết đến, nghiên cứu, học hỏi, bảo tồn để không bị mai một đi.

“Bản thân tôi vẫn lưu giữ các vật dụng trong gia đình để truyền lại cho con cháu mai sau biết về các phong tục, tập quán của người dân. Tôi sẽ truyền lại cho con cháu mai sau để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình” - ông Yên cho biết.

Gia đình chị Quàng Thị Thúy ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ cũng đã bỏ hẳn việc đi nương, làm rẫy, thay vào đó là tập trung đầu tư vào mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Với khoảng 2.500 mét vuông đất, nếp nhà sàn và vườn mơ, vườn mận có sẵn, gia đình đã đầu tư hơn 50 triệu đồng sửa sang nhà cửa, cải tạo vườn quả thành Vườn hoa Chong Chóng.

Giờ đây, mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng của gia đình chị Thúy như một không gian dân tộc Thái thu nhỏ, với những áo Cóm, khăn Piêu, vườn mơ, vườn mận, những cây chong chóng nhẹ nhàng xoay trong gió… đẹp mộc mạc mà giản dị, gần gũi như những con người nơi đây.

Chị Thúy chia sẻ: “Homestay của chúng tôi đón nhiều du khách như thế, chúng tôi rất vui bởi vì được thể hiện bản sắc dân tộc của mình để đưa bản sắc dân tộc của mình đến với mọi người; phát huy hơn nữa và quảng bá bản sắc dân tộc đến mọi người, mọi miền đất nước.”

Khi đến với các nhà nghỉ du lịch cộng đồng ở Chiềng Cọ, du khách không những có cơ hội thưởng thức ẩm thực dân tộc, giao lưu văn hóa văn nghệ mà còn được khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng; được tìm hiểu về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống, tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con người Thái bản địa.

Du khách Khổng Hoàng Giang, tới từ Hà Nội chia sẻ: “Mình thấy con người, đồng bào trên này rất thật thà, tình cảm. Họ chất phác, sống bằng nội tâm của họ. Mình vào hỏi thăm nhà có bao nhiêu người hay làm gì đó thì họ đều trả lời rất thật mặc dù mình là người lạ. Bọn trẻ cũng thế, ra chơi cùng luôn. Còn mình đi là ngày thứ 3 rồi. Nếu có thời gian, mình muốn ở đây cả 1 tuần hoặc chục ngày để có thể khám phá hết cảnh đẹp ở đây.”

Từ các mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng nhỏ lẻ, xã Chiềng Cọ có kế hoạch xây dựng thành các bản du lịch cộng đồng. Ông Cà Trung Hòa, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Cọ, cho biết, bản Hùn được xã chọn làm bản du lịch cộng đồng đầu tiên, nhằm tạo thành quần thể văn hóa thu nhỏ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái nơi đây.

“Thời gian vừa rồi triển khai kế hoạch, chúng tôi đã họp với người dân và xin ý kiến. Thứ nhất là xin ý kiến của tập thể chi ủy, ban quản lý bản đồng tình, nhất trí cao và người dân cũng rất hăng hái cải tạo nếp nhà sàn cũ, rồi chỉnh trang, cải tạo vườn, khôi phục lại một số ngành nghề truyền thống như đan lát, rèn, dệt thổ cẩm… Thời gian này, bà con đang làm rất náo nức, rầm rộ” - ông Hòa cho hay.  

Biến sự mộc mạc, hoang sơ thành điểm mạnh để phát triển du lịch, những phong tục, nét đẹp sinh hoạt cổ xưa từng bước được khôi phục và phát triển. Xã nông thôn mới Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, như đang thay áo mới, đang hứa hẹn thành điểm đến hấp dẫn với du khách phương xa.