Lễ gội đầu ở vùng đất “Ba Chà”

Thứ Năm 15:22 16/01/2020

ĐBP - Vùng đất “Ba Chà” là cách gọi của người dân địa phương đối với 3 xã ở huyện Nậm Pồ là: Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang. Ðây là các xã vốn xưa kia thuộc huyện Mường Chà của tỉnh Lai Châu (cũ). Người dân ở Ba Chà chủ yếu là người dân tộc Thái, ngành Thái trắng và có chung một nền văn hóa lâu đời. Lễ gội đầu vào chiều 30 Tết là một trong những nghi thức vừa mang tính truyền thống lại vừa có yếu tố tâm linh.

Những cô gái Thái và vui đùa thỏa thích, quên đi một năm vất vả, lo toan.

Lễ gội đầu hay theo tiếng Thái còn gọi là lễ “áp hô” hoặc “xá hô” (gột rửa) là một nghi lễ đặc biệt đối với người Thái trắng ở “Ba Chà”. Từ trưa 30 tết Nguyên Ðán hàng năm, già trẻ, trai gái lại cùng nhau ra dòng suối Nậm Bai để thực hiện nghi thức gội đầu. Nước gội đầu được chuẩn bị sẵn và nấu bằng những hương liệu tự nhiên, như: Bồ kết, lá sả và một số nguyên liệu lá thơm được lấy từ rừng. Họ thường chọn những tảng đá lớn bên bờ suối để làm lý, sau đó cùng nhau chải tóc, gội đầu và nói lời cầu mong cho một năm mới rồi cùng nhau đằm mình trong dòng suối trong vắt... Người Thái ở đây quan niệm rằng, tắm gội trên dòng suối Nậm Bai là sẽ gột rửa được những điều không may mắn trong năm cũ để chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Khi ra suối làm lễ gội đầu, họ thường đi theo nhóm hoặc theo gia đình. Theo phong tục của người Thái, người đàn ông, người chủ gia đình sẽ đem theo một thanh kiếm (hoặc con dao) quý là vật gia truyền, ngày thường họ vẫn để ở một nơi trang trọng nhất trên bàn thờ tổ tiên. Khi ra bờ suối, họ thực hiện một số nghi thức để rửa thanh kiếm (hoặc con dao) được coi như một thứ bảo bối để bảo vệ cả gia đình được bình an và may mắn.

Lễ gội đầu là một phong tục truyền thống, một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, ngành Thái trắng ở “Ba Chà” còn được gìn giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.