Ngày xuân đi lễ cầu may

Thứ Năm 9:58 06/02/2020

ĐBP - Theo văn hóa truyền thống của dân tộc ta, những ngày đầu xuân mọi người thường cùng nhau đi lễ tại các đền, chùa cầu mong một năm mới tốt lành. Ða số người dân đến đền, chùa sẽ cầu sức khỏe, bình an và may mắn hoặc cầu cho công việc làm ăn phát đạt. Ngoài ra, có những người đến đền, chùa chỉ là để vãn cảnh, tìm kiếm sự thanh tịnh trong không gian văn hóa, tâm linh. Ðó là nhu cầu phổ biến mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng của mỗi người dân và cũng là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Người dân đi lễ đền Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên trong ngày mùng 2 Tết Canh Tý. Ảnh: Mai Giáp

Ðiện Biên có 19 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa gắn với yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các nền văn hóa đã có sự giao thoa và nhu cầu của con người cũng có sự thay đổi để thích ứng với môi trường xã hội. Và vì những thay đổi không phải ở bản chất của các tôn giáo, nên trong các sự kiện của tôn giáo này vẫn có sự tham gia của các tín đồ thuộc tôn giáo khác và cả những người không theo tôn giáo nào. Việc đi lễ đền, chùa đầu năm đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân và thiên về yếu tố văn hóa, tín ngưỡng.

Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên chỉ có duy nhất đền Hoàng Công Chất nằm trong khu Di tích quốc gia thành Bản Phủ là công trình văn hóa tâm linh có quy mô, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Do vậy, không chỉ vào mỗi dịp đầu xuân hay lễ hội mà vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng nơi đây luôn thu hút đông đảo người dân đến dâng lễ, thắp hương. Những năm gần đây có thêm một số công trình văn hóa tâm linh được xây dựng như: Khu văn hóa tâm linh Linh Sơn (xã Thanh Luông) hay Khu tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc Linh Quang (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên) đã phần nào đáp ứng được nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.

Cũng như những năm trước, ngay từ sáng mùng một tết, tại đền Hoàng Công Chất người dân đã đến rất đông, chủ yếu là người dân TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên và khu vực lân cận. Ðây là nơi thờ Tướng quân Hoàng Công Chất cùng với tướng Ngải, tướng Khanh (hai vị thủ lĩnh người dân tộc Thái) đã có công lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh thế kỷ 18. Ghi nhận công lao của các vị thủ lĩnh cùng nghĩa quân, người dân địa phương lập đền thờ để các thế hệ sau tri ân, tưởng nhớ. Năm 1981 và 1994, di tích thành Bản Phủ, đền Hoàng Công Chất lần lượt được xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Có mặt cùng gia đình từ rất sớm, anh Lò Văn Pâng ở TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Năm nào cũng vậy, vào sáng mùng một tết, việc đầu tiên là gia đình tôi xuống Ðền làm lễ, vừa là cầu sức khỏe và may mắn cho cả gia đình cũng vừa thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với các vị anh hùng áo vải đã có công bảo vệ đất nước. Ðây cũng là dịp để giáo dục các con về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc…

Tại Khu tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc, đông đảo người dân cũng có mặt từ rất sớm. Ðây là nơi được đầu tư quy mô, có không gian đẹp, rộng rãi và thanh tịnh nên sau khi lễ Phật, thắp hương tưởng nhớ những người có công, người dân và phật tử thường nán lại để tham quan, vãn cảnh và thỉnh an các nhà sư. Ngoài các đền, chùa nói trên thì cũng có rất nhiều người dân đến thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ thể hiện lòng tri ân đối với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân.

Việc đi lễ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Ðiện Biên nói riêng mỗi dịp tết đến, xuân về.