Khi cải lương “kết duyên” cùng xiếc trên sân khấu

Thứ Ba 15:27 18/02/2020

“Huyền sử Việt” là tên dự án sân khấu dài hơi đang được các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam ấp ủ cùng nhau thực hiện. Dự án với sự kết hợp lần đầu của ngôn ngữ cải lương và ngôn ngữ xiếc hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho người xem.

Chương trình Ngàn năm mây trắng do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp các đơn vị nghệ thuật dàn dựng thu hút khán giả. Ảnh: Hà Phương

Cũng như những đơn vị nghệ thuật biểu diễn khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải hủy, lùi nhiều suất diễn, buổi diễn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ không nản chí. Họ đang tranh thủ lên kế hoạch để thực hiện "Huyền sử Việt"- dự án sân khấu dự kiến sẽ được hai đơn vị triển khai từ năm 2020 đến 2023. NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: "Trong bối cảnh sân khấu đang trầm vắng, các đơn vị nghệ thuật đều mong muốn có thể đổi mới, bứt phá để thu hút và lôi kéo khán giả. Ðó là lý do xiếc và cải lương tìm cách kết hợp, kỳ vọng mang đến những "món" mới, hấp dẫn đối với công chúng hiện đại".

"Huyền sử Việt" sẽ phản ánh những huyền thoại về tứ bất tử, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam. Ðó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Nếu Tản Viên Sơn Thánh là vị thần đại diện cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt; thì Phù Ðổng Thiên Vương đại diện cho sức mạnh tuổi trẻ, tinh thần chống ngoại xâm quật cường. Trong khi đó, Chử Ðồng Tử tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu và ước mơ về sự sung túc. Công chúa Liễu Hạnh tượng trưng cho đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng. Các nhân vật sẽ được thể hiện qua các công trình nghệ thuật được dàn dựng liên tiếp qua các năm. Trước mắt, công trình nghệ thuật đầu tiên của dự án tập trung thể hiện hình tượng Chử Ðồng Tử. Kịch bản Chử Ðồng Tử, Tiên Dung của cố tác giả Hoàng Luyện đã được ê-kíp sáng tạo lựa chọn dàn dựng. Tác giả Lê Thế Song - người luôn gây bất ngờ với nhiều đột phá trong kịch bản sân khấu đã được "chọn mặt gửi vàng" để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện lại kịch bản sao cho phù hợp các đòi hỏi về tiêu chí, thời lượng của vở diễn.

Thời gian gần đây, khán giả yêu sân khấu liên tục được chứng kiến những bước đi thử nghiệm để làm mới mình của cải lương khi kết hợp những loại hình ngôn ngữ sân khấu khác. Ðó là sự sánh đôi cùng âm nhạc dân gian miền núi trong Chuyện tình Khau Vai, sự se duyên bất ngờ cùng chèo, xẩm, hát văn Huế trong Ngàn năm mây trắng. Vì thế, với sự song hành cùng xiếc lần này, NSND Triệu Trung Kiên tỏ ra khá tự tin: "Dù hai loại hình có vẻ khác xa nhau về ngôn ngữ thể hiện, nhưng nếu xử lý khéo léo sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp riêng của từng loại hình và tạo ra những bất ngờ thú vị". Trong khi đó, theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: "Sự kết hợp này sẽ là cơ hội để nghệ sĩ thuộc hai loại hình cùng thử sức. Các nghệ sĩ xiếc được nâng cao nghệ thuật diễn xuất, các nghệ sĩ cải lương cũng sẽ được bổ sung những kỹ năng phụ trợ để phần biểu diễn sinh động và hấp dẫn hơn".

Với dự án "Huyền sử Việt", nhóm sáng tạo chú trọng ứng dụng các hiệu ứng công nghệ cho sân khấu, với hệ thống đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, sân khấu chính - phụ được xử lý kỹ càng để tạo bối cảnh, không gian độc đáo cho từng cảnh diễn. Ðây là lần đầu các nghệ sĩ xiếc và cải lương cùng phối hợp để xây dựng tác phẩm theo hình thức nhạc kịch xiếc quốc tế, nhưng là bằng ngôn ngữ cải lương cùng các màn tung hứng, đu dây, nhào lộn, thăng bằng trên không... hứa hẹn mang đến nhiều thú vị.