Tục lên nhà mới của người Thái Ðiện Biên

Thứ Năm 9:17 05/03/2020

ĐBP - Cộng đồng người dân tộc Thái nói chung thường có thói quen cư trú ven các sông, suối, chân đồi, thung lũng nhỏ... để tiện đánh bắt thủy sản, trồng lúa nước. Khu vực cư trú của họ khá ẩm thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại động vật, thú dữ. Chính vì thế, người Thái có tập quán làm nhà sàn để sinh sống. Trải qua nhiều thập kỷ đổi mới và phát triển về kinh tế, đời sống, nhưng tập quán làm nhà sàn của người dân tộc Thái vẫn được gìn giữ. Cùng việc dựng nhà sàn để ở, người Thái có tục lệ lên nhà mới rất đặc trưng, đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người dân tộc Thái.

Ngôi nhà sàn gỗ của gia đình anh Lò Văn Nún đang được người dân trong bản hỗ trợ làm theo kiến trúc truyền thống.

Có dịp tham dự, chứng kiến tục lên nhà mới của người dân tộc Thái tại bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ, chúng tôi được hiểu thêm về tục lệ độc đáo này của bà con dân tộc Thái. Gia chủ tổ chức lên nhà mới là anh Lò Văn Nún, ngoài 30 tuổi. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà sàn mới còn thơm mùi gỗ, anh Lò Văn Nún cho biết: “Theo phong tục, người Thái chúng tôi khi lập gia đình riêng thì mỗi người chỉ làm nhà mới duy nhất một lần. Vì thế, ngôi nhà mới phải được làm hết sức cẩn thận, kiên cố; đồng thời tục lệ lên nhà mới rất quan trọng, không thể thiếu trong cuộc đời đối với mỗi người”.

Anh Nún lập gia đình riêng và bắt đầu dựng nhà sàn mới cách đây không lâu. Ðược sự hỗ trợ của gia đình và những người thân trong bản, ngôi nhà sàn gỗ của anh Nún đã nhanh chóng hoàn thành. Khung nhà sàn được lắp bằng các cột xà xiên, xà mộng, mái nhà lợp ngói, vuông vắn ở bốn chái, bếp lửa được kê bên gian ngoài lòng nhà... đây là thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái. Khi ngôi nhà hoàn thành, anh Nún đã chọn ngày đẹp để mời anh em, họ hàng, làng xóm và bạn bè thân thích đến ăn cơm lên nhà mới với gia đình.

Trong khi những người thân khác đang đón khách đến, thì cũng là lúc vợ chồng anh Nún cùng một thầy cúng (người cao tuổi trong bản) tiến hành “làm lý” cúng mời tổ tiên về dự lên nhà mới với gia đình. Trên sàn giữa ngôi nhà mới, vợ chồng anh Nún đã tập kết sẵn nhiều đồ đạc: Chăn đệm, hòm, thùng gạo, đồ dùng lao động... để cúng làm lý. Lễ cúng còn có các món ăn nóng hổi vừa được người trong nhà bày lên mâm cúng. Ðến giờ đã định, thầy cúng đọc lời cúng bằng tiếng Thái để mời gọi thần linh, tổ tiên về dự lễ lên nhà mới; đồng thời cầm một con dao to (tượng chưng cho thanh kiếm) đi cúng quanh nhà, sau đó cắm dao vào cột đặt cạnh bàn thờ, theo tâm linh của người Thái, hành động này nhằm “yểm bùa” cho nhà mới của gia chủ, để xua đuổi tà ma và khẳng định ngôi nhà từ nay đã có chủ.

Ngay sau đó, thầy cúng mời vợ chồng gia chủ mang những đồ đạc sắp sẵn ra bày biện trong nhà. Những người khác trong gia đình, họ hàng anh Nún và khách cũng được mời lên nhà mới, mang những vật dụng làm quà đến chúc mừng gia chủ. “Theo quan niệm của người Thái, càng có nhiều người bước lên nhà mới mang theo quà mừng và chúc tụng thì gia chủ sẽ càng đủ đầy, may mắn và làm ăn phát đạt hơn” - anh Lò Văn Nún chia sẻ.

Sau khi cúng xong, cũng là lúc gia chủ mời khách vào mâm cỗ để cùng nâng chén rượu đầy, ăn uống, chúc tụng nhau trong không khí tưng bừng, phấn khởi. Ðược biết, vào ngày hôm sau, gia đình anh Nún sẽ tiếp tục tổ chức bữa cơm nhỏ để cảm ơn họ hàng và những người đã tới giúp gia chủ dựng xong ngôi nhà. Tục lệ lên nhà mới của gia đình đến lúc đó mới kết thúc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Văn Chựa, Trưởng bản Him Lam 2 cho biết: “Trải qua nhiều năm đổi mới, đời sống văn hóa và dân trí trong bản Him Lam 2 chúng tôi đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bà con vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn các nếp nhà sàn cùng tục lệ lên nhà mới. Ðây là nét đẹp đặc trưng của người Thái đen chúng tôi nói riêng và dân tộc Thái nói chung trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Bắc”.