Phát hành phim mùa dịch: Chờ đợi hay hành động?

Thứ Hai 15:26 04/05/2020

Thay vì cất phim chờ đợi dịch qua đi, nhiều hãng phim lớn đã thay đổi phương thức phát hành, tạo dấu ấn mới trong lịch sử điện ảnh thế giới. Điều này gợi ý cho các nhà làm phim Việt Nam một hướng đi mới, nhất là trong bối cảnh khá nhiều bộ phim đã hoàn thiện nhưng chưa thể ra rạp vì dịch Covid-19.

Phim Bí mật của gió đã ra mắt nhưng chưa thể ra rạp.

Điện ảnh thế giới đã thay đổi

Hãng Universal đã tạo ra một sự kiện chưa từng có trong lịch sử điện ảnh khi đưa bộ phim bom tấn Trolls World Tour (tựa Việt: Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới) lên hệ thống phát hành online đúng vào ngày ra rạp. Trolls World Tour được phát qua các dịch vụ xem phim trực tuyến với giá thuê 19,99 USD (khoảng 470.000 đồng) trong vòng 48 giờ, tương đương với giá xem phim rạp ở New York. Tuy nhiên, với thời gian “thuê” kể trên, nhiều người có thể xem được bộ phim nên mức giá này vẫn được coi là tiết kiệm. Jeff Shell, CEO của Universal chia sẻ: “Thay vì hoãn phát hành phim hoặc phát hành vào những bối cảnh đầy cạnh tranh, Universal cho khán giả lựa chọn xem phim tại nhà - một hình thức dễ tiếp cận với mức giá phải chăng”.

Trang The Daily Beast nhận định việc làm này của Universal đã làm “thay đổi lịch sử điện ảnh, Trolls World Tour trở thành bộ phim quan trọng và có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh hiện đại”. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các rạp chiếu phim trên toàn cầu đang phải đóng cửa vì dịch Covid-19, những bộ phim mới sản xuất không có cơ hội đến với khán giả. Việc quyết định phát hành Trolls World Tour qua mạng có thể là kết quả của việc số hóa thành công một loạt phim trước đó của Universal: The Hunt, The Invisible Man, Emma, Never Rarely Sometimes Always... nhằm đáp ứng nhu cầu khán giả khi thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Trung Quốc, việc mở lại rạp chiếu phim ở nhiều địa phương sau khi dịch tạm lắng đã không thành công, các rạp mở lại rất vắng khán giả. Theo công ty tổng hợp, phân tích thị phần phim ảnh online Maoyan, tháng 3 vừa qua Trung Quốc đã cho xuất xưởng 44 phim, thế nhưng sau đó đã phải hủy chiếu hoặc hoãn vô thời hạn. Trong khi đó, thị phần phim chiếu mạng và phim truyền hình ở quốc gia này có xu hướng tăng mạnh. Điều này khiến các nhà sản xuất nghĩ tới phương án phát hành trên mạng thay vì tiếp tục ngồi chờ. Hai bộ phim được thử nghiệm chiếu trên nền tảng trực tuyến sau khi ra rạp bất thành là Lost in Russia của đạo diễn Từ Tranh và Enter the fat dragon có sự tham gia của Chân Tử Đan đều đạt lượt xem “khủng”.

Phim Việt có nên chờ đợi?

Tại Việt Nam, rất nhiều bộ phim có lịch phát hành từ sau Tết rơi vào cảnh chờ đợi. Bộ phim Bí mật của gió, dù đã có 2 buổi chiếu ra mắt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng phải ém lại từ đầu tháng 2. Nhiều bộ phim đã hoàn thiện như Chị Mười Ba, Tôi là não cá vàng và Truyền thuyết về Quán Tiên cũng chưa có cơ hội công chiếu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nhà làm phim chủ động thay đổi kế hoạch sản xuất, phát hành. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã quyết định chuyển lịch phát hành bộ phim Trạng Tí từ ngày 30-4 năm nay sang dịp Tết Tân Sửu 2021; cùng với đó, kế hoạch sản xuất phim Thanh Sói cho dịp Tết 2021 cũng bị lùi lại.

Một bộ phim nữa dự định phát hành vào ngày 30-4 năm nay là Lật mặt 5 của đạo diễn Lý Hải cũng tiếp tục dời lịch chiếu đến Tết Tân Sửu 2021... Bên cạnh đó là rất nhiều bộ phim đang trong quá trình hoàn thiện như Sám hối (bộ phim hợp tác Việt - Ấn), Bằng chứng vô hình... Tất cả đều đang “nằm im” nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “Với tình hình hiện nay thì ngành chiếu bóng và sản xuất phim chắc chắn còn đình trệ một thời gian dài nữa”.

Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì số khán giả đến rạp cũng chưa thể được như kỳ vọng. Đó là chưa kể đến việc quá nhiều bộ phim Việt bị dồn lại chờ đến thời điểm hết dịch cũng sẽ khiến các phim bị cạnh tranh nhiều, giảm cơ hội có được doanh thu như ý...

Việc phát hành phim trên mạng là một giải pháp song chưa được nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất trong nước tính đến, nguyên nhân chính là khán giả Việt chưa có thói quen xem phim có trả phí một lần trên mạng. Các nền tảng xem phim trực tuyến tại Việt Nam như FPT Play, MyTV, NetTV, Netflix, Fim+... chỉ khai thác những phim đã ngừng chiếu tại rạp. Bên cạnh đó, việc chào bán phim lên các nền tảng trực tuyến vẫn chưa thực sự được các đạo diễn chú trọng. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ, anh gần như không quan tâm tới lĩnh vực này, việc phát hành phim trực tuyến hoàn toàn dựa vào đối tác phát hành.

Dịch Covid-19 là một phép thử và trong thế giới điện ảnh, đó là phép thử về sự thích ứng. Cách làm của Universal hay một số hãng phim Trung Quốc liệu có mang đến thành công về mặt doanh thu, câu trả lời có lẽ phải chờ một thời gian nữa. Tuy nhiên, đây là phép thử quan trọng mà nhiều nhà sản xuất khác đang nhìn vào để tìm cách hành xử phù hợp trong giai đoạn hiện nay, bởi không biết khi nào các rạp chiếu mới tưng bừng trở lại.