Vì sự phát triển toàn diện của mọi trẻ em

Thứ Năm 9:48 28/09/2017
ĐBP - Tỉnh Ðiện Biên sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 20-CT/TW) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; thể hiện sự vào cuộc sát sao của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp. Song bên cạnh đó, vẫn còn 4/14 tiêu chí chưa đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi cần có hướng khắc phục trong giai đoạn tiếp theo...

Năm 2013, ngay sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên về chủ trương của nghị quyết Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Từ năm 2013 - 2017, nhiều chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể Chỉ thị số 20-CT/TW đã được ban hành và nỗ lực triển khai thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương. Qua 10 cuộc kiểm tra, giám sát liên ngành về 4 chế độ chính sách hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ em thiệt thòi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chính sách cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, đã phát huy được vai trò của cấp ủy Ðảng, mặt trận, các tổ chức xã hội, đặc biệt là trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện.

 

Học sinh Trường Tiểu học xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) trong giờ ra chơi.

Cùng với quá trình tiếp thu, triển khai thực hiện; nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng cũng được tăng lên; tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và cộng đồng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thể hiện sự chuyển biến ấy bằng những chỉ thị, chương trình hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả; như là: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nâng cấp cơ sở y tế, khám chữa bệnh, phẫu thuật phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật...

Bằng kết quả thực tế sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, có thể khẳng định rằng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác vận động, tuyên truyền đã có sự vào cuộc của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, tư pháp, tuyên giáo. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được đặt lên hàng đầu, tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng dần qua các năm; nhiều vụ án liên quan đến tội danh xâm hại trẻ em được phát hiện, điều tra và xét xử lưu động để tăng tính giáo dục, răn đe, ngăn chặn và hạn chế... Những năm qua tỉnh ta cũng luôn duy trì nuôi dưỡng hơn 100 trẻ tại Làng trẻ em SOS Ðiện Biên Phủ, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Mái ấm tình thương Ðiện Biên Ðông; mỗi năm khám sàng lọc cho 400 - 500 trẻ khuyết tật. Ðến năm 2016, toàn tỉnh có 77/130 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, đội ngũ cán bộ giáo viên, y bác sĩ được quan tâm đầu tư nhiều hơn; việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm đúng mức và có sự chung tay của cả cộng đồng và hệ thống chính trị...

Giai đoạn 2012 - 2017, có 3 chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh: Dự án Bạn hữu trẻ em, Dự án An toàn lành mạnh: Ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị buôn bán và bị lạm dụng sức lao động và Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Việc triển khai hiệu quả các dự án trên đã giúp hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng được duy trì thực hiện, quản lý gần 900 hồ sơ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh này cần được giúp đỡ. Sự ra đời của Phòng Ðiều tra thân thiện với trẻ tại PC45 - Công an tỉnh bước đầu cũng đã vận hành suôn sẻ; góp phần giảm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; tăng trẻ khó khăn được chăm sóc giúp đỡ và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp và xây dựng phát triển các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng...

Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, thì do nhiều yếu tố, việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Trong số 14 mục tiêu thực hiện chương trình hành động, vẫn còn 4 mục tiêu đề ra chưa hoàn thành; 2 mục tiêu trong các chương trình dự án gặp khó khăn. Khi xem xét đến những mục tiêu chưa hoàn thành, chúng ta có thể thấy rằng, nó liên quan mật thiết đến 2 yếu tố: Nhận thức và điều kiện kinh tế - xã hội. 4 mục tiêu chưa đạt cụ thể là: Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi; trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non và trẻ bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc điều trị thích hợp, được hỗ trợ điều trị về tâm lý. Ðể khắc phục những khó khăn, tồn tại đó, trên cơ sở đánh giá cụ thể nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, 8 nhóm giải pháp thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ở tỉnh ta trong thời gian tới đã được Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh đề ra cùng một số kiến nghị, đề xuất với Trung ương và Tỉnh ủy. Trong đó, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và huy động sức mạnh của toàn xã hội được đặt lên hàng đầu...

Với mục tiêu bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi trẻ em; nâng cao năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển toàn diện; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về cơ hội phát triển giữa các đối tượng trẻ; xây dựng môi trường thân thiện, bảo đảm sự an toàn cho mọi trẻ em... các giải pháp thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW được đưa ra là rất hợp lý. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, đánh giá tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp; nhận thức về quyền trẻ em; kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ của cộng đồng và người giám hộ chưa cao, chưa đồng đều... Vì tương lai và sự phát triển toàn diện của mọi trẻ em, hi vọng việc tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và huy động sức mạnh của toàn xã hội được thực hiện hiệu quả; hoàn thành mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.