Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu

Các bộ, ngành rà soát quy định bảo đảm phù hợp với luật về trẻ em

Thứ Hai 14:36 06/08/2018
ĐBP - Sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ trẻ em; giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tham gia hội nghị trực tuyến ở 675 điểm cầu truyền hình tại các tỉnh, thành phố và một số huyện, xã trên toàn quốc. Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

 

Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan bảo vệ trẻ em tham dự Hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Báo cáo tóm tắt về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà trình bày tại hội nghị nêu rõ: Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết; trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện trên 680 vụ xâm hại trẻ em. Đặc biệt, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người quen biết, hàng xóm là gần 60%.

Sau khi nghe các báo cáo, tham luận của đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại biểu tại các điểm cầu đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em tại các địa phương và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, ngoài các ý kiến của lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở còn có ý kiến đóng góp của các luật sư và nhà báo theo dõi mảng bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các ý kiến cơ bản thống nhất nhận định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có nhiều tiến bộ, xong vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn ở mức cao.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam là nước đầu tiên tại Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1990. Điều 37 của Hiến pháp cũng quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em... Tuy nhiên công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Trước tình trạng trên cả nước chỉ có khoảng 5% số xã có cán bộ được phân công bảo vệ trẻ em, Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em; xử lý các vụ việc về xâm hại trẻ em phải bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; phải cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền nơi để xảy ra vụ việc.