Chợ sông Huổi Só

Thứ Sáu 0:00 08/01/2016
ĐBP - Lạ lẫm, háo hức đó là cảm nhận chung của chúng tôi khi lần đầu tiên được tham gia vào một phiên chợ nổi trên sông Đà ở xã vùng cao Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Lạ lẫm bởi khi nói đến chợ trên sông thường chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh những buổi chợ sông ở vùng sông nước miền tây Nam Bộ, chứ mấy ai nghĩ rằng, ở một xã vùng cao Tây Bắc như Huổi Só cũng có một phiên chợ nổi trên sông đầy hấp dẫn như vậy.

Con đường từ trung tâm huyện Tủa Chùa vào đến xã Huổi Só dài khoảng 50km, nhưng chỉ có hơn 20 cây số đầu là đường nhựa, còn lại gần 30km là đường rải cấp phối, nhiều đoạn đã xuống cấp. Bởi vậy, xuất phát từ sáng sớm nhưng phải đến 9 giờ sáng chúng tôi mới có mặt tại xã Huổi Só. Trước đây, muốn mua sắm quần áo, giày dép hay những vật dụng thiết yếu khác, người dân phải ra tận thị trấn Tủa Chùa hoặc chờ tới chợ phiên ở một số xã lân cận, mà xã gần nhất cũng phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Từ khi hồ Thủy điện Sơn La tích nước, dòng sông Đà nơi đây đã không còn là thác ghềnh nguy hiểm nữa, đã trở thành mặt hồ phẳng lặng. Lợi thế đường thủy được phát huy, việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu và ngược lại cũng dễ dàng hơn. Từ đó, những con thuyền của các thương lái đã đi ngược sông Đà, neo lại ở một số bến sông để bán hàng, lâu dần những bến sông này trở thành điểm diễn ra chợ phiên. Ở Huổi Só, có 2 phiên chợ được hình thành là chợ ở bến thôn 1, họp vào các ngày mùng 5, 15, 25 hàng tháng và chợ bến Huổi Lóng họp vào ngày mùng 6, 16 và 26 hàng tháng.

Một góc chợ sông ở bến thôn 1, xã Huổi Só.

Trong chuyến công tác này, chúng tôi có dịp được tham dự phiên chợ tại bến thôn 1, được chứng kiến cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập nơi đây. Tháng 12, tiết trời se lạnh, bởi vậy nên chợ cũng họp khá muộn, phải 9, 10 giờ bà con mới lục tục kéo nhau đến chợ. Càng về trưa, không khí phiên chợ càng nhộn nhịp, tiếng cười nói, chào hỏi lẫn những lời mặc cả mua bán vang cả khúc sông ngày thường vốn lặng lẽ, yên ả. Nói là chợ phiên miền núi, nhưng các mặt hàng được bày bán rất phong phú, đa dạng. Trên bờ, một số sạp hàng bình dân bày bán chủ yếu các loại bánh kẹo và quần áo. Dưới thuyền, hàng hóa phong phú hơn gấp bội, từ những mặt hàng nhỏ nhất như nhu yếu phẩm, mặt hàng khô như cá, mắm, muối, mì chính, đến quần áo và cả đồ điện tử như ti vi, loa đài đều có đủ.

Chợ phiên thường 10 ngày mới có 1 lần nên người dân nơi đây vô cùng háo hức. Họ đến chợ đôi khi chỉ là mua gói muối, gói bánh, một số nhu yếu phẩm khác hoặc cũng có khi chỉ đến chợ để gặp gỡ, giao lưu. Sau khi mua những thứ cần thiết cho gia đình, anh Phàn A Chính, thôn 1 không quên ghé vào một sạp hàng trên bờ, chọn mua gói bánh, cái kẹo cho con. Với anh Chính, chợ phiên không chỉ là sự phấn khởi của riêng anh mà còn là niềm vui chung của bà con nơi đây. Bởi, sẽ không còn cảnh phải đi mấy chục cây số mới mua được đôi dép, chiếc áo nữa, giờ chỉ cần đi mất vài phút là tới chợ. So với những phiên chợ ở các xã khác, hàng hóa không thiếu thứ gì. Từ khi phiên chợ được mở, cứ đến ngày là mọi người trong bản lại rủ nhau đi chợ, có tiền thì mua, không có tiền thì đi chơi, đi xem chợ. Cũng bởi vậy, bà con thường hay nói “đi chơi” chợ chứ không phải đi chợ mua bán thông thường như ở miền xuôi.

Trao đổi với những người chủ thuyền, được biết, trung bình một thuyền ở đây có trọng tải từ 120 – 130 tấn, thường một đoàn thuyền buôn có khoảng 4 – 5 chiếc đi cùng nhau, mỗi chuyến đi qua từ 10 -15 bến dọc theo bờ sông, sau khoảng 10 ngày, các thuyền sẽ quay về Quỳnh Nhai bốc hàng, rồi tiếp tục hành trình buôn bán.

Anh Nguyễn Văn Dân, quê ở huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, một thương lái đã gắn bó với những phiên chợ ven dòng sông Đà gần 5 năm nay cho biết: Vợ chồng tôi rong ruổi buôn bán theo con thuyền này từ đầu năm 2011, nhưng lúc đầu chỉ buôn bán ở khu vực Sơn La. Đi thuyền nhiều năm, thấy ở Huổi Só giao thông khó khăn, lại chưa có chợ nên anh em trong đoàn thuyền bàn nhau ngược dòng lên tận đây, đặt vấn đề với chính quyền xã lập chợ, chọn một ngày làm phiên giao dịch, đến nay, phiên chợ đã thành lập được gần 2 năm, dù bất kể mưa nắng chúng tôi đều cố gắng cập bến. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, chúng tôi đã ký cam kết với chính quyền xã Huổi Só về chất lượng các mặt hàng, không bán cho người dân những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không chỉ vậy, do hàng hóa được vận chuyển từ Quỳnh Nhai lên đây bằng đường sông khá thuận lợi, chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn so với đường bộ vì vậy giá cả hàng hóa so với các chợ trên địa bàn huyện không chênh lệnh nhiều, thậm chí một số mặt hàng còn rẻ hơn. Đơn cử như một bao muối 2kg, tại chợ trung tâm xã Xá Nhè có giá bán 10.000 đồng, nhưng tại đây, chúng tôi chỉ bán với giá 8.000 đồng.

Còn với chị Nguyễn Thị Khiêm, ở Quỳnh Nhai, Sơn La, cũng vì mưu sinh, mà không biết từ lúc nào chị đã dần hòa nhập, gắn bó với dòng Đà giang như một cái duyên. Chị Khiêm chia sẻ: Vì không có điều kiện mua thuyền, nên tôi thuê lại một ki ốt trên chiếc thuyền của người họ hàng. Chợ họp ở đâu, mình trải bạt bày bán trên bờ ở đấy. Đến cuối phiên chợ, lại đóng đồ theo thuyền tới điểm khác. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều lênh đênh theo những chuyến chợ phiên. Cứ vậy mà cũng được 4, 5 năm nay rồi.

Chúng tôi rời phiên chợ nổi khi mặt trời đã bắt đầu xế bóng. Đêm nay, những con thuyền “bách hóa” sẽ neo lại trên bến sông Huổi Só, để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình đến những bến sông khác, mang hàng hóa phục vụ người dân dọc bờ sông Đà.