Chờ đến bao giờ?

Thứ Năm 14:23 14/07/2016
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có hàng nghìn thanh niên xung phong đã tình nguyện cống hiến cả tuổi xuân, sức trẻ vì sự nghiệp giải phóng và xây dựng mảnh đất Điện Biên. Sau giải phóng những thanh niên xung phong ấy lại trở về cuộc sống đời thường với những mưu sinh khác nhau. Tuy vậy, đến nay không ít người trong số họ vẫn còn “đứng bên lề” chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cho dù cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn…

Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, bảo vệ đất nước và xây dựng vùng kinh tế mới Điện Biên sau giải phóng có sự đóng góp rất lớn của các thế hệ cựu thanh niên xung phong (TNXP). Rất nhiều công trình, nhiều phần việc thi công trong điều kiện thiếu thốn gian khổ ngày đó là thành quả từ tuổi trẻ, công sức của các cựu TNXP. Và những năm qua, việc giải quyết chế độ, chính sách cho các thế hệ cựu TNXP luôn được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm, bước đầu đáp ứng được nguyện vọng của những cựu TNXP, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Song, đến nay sau mấy thập kỷ đất nước vang khúc ca khải hoàn vẫn còn rất nhiều cựu TNXP chưa được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước. Theo danh sách của Hội Cựu TNXP tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.138 hội viên Hội Cựu TNXP, tuy nhiên đến nay mới có hơn 500 người được hưởng chế độ trợ cấp.

 

Ông Lò Văn Dung (bên trái) từng là TNXP nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ.

Đến đội 1, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh của ông Lò Văn Dung – cựu TNXP xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Năm 1967, khi vừa 18 tuổi, ông Dung đã xung phong lên đường xây dựng vùng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Với ông, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm là một thành quả lớn mà cá nhân ông đã góp sức nhỏ bé để tạo nên. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo, ông Dung kể lại: “Vào năm 1967, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đang trong giai đoạn thi công cuối (Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm xây dựng từ năm 1963 – 1969). Thời điểm đó Đại thủy nông Nậm Rốm là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, nhưng thi công hầu hết là thủ công, nên có thể tưởng tượng được phần nào sự gian khổ, hy sinh của những người tham gia xây dựng công trình”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương, ông Dung lập gia đình và sinh được 5 người con. Giờ đây ông sống cùng người vợ già lưng còng, nguồn thu nhập chính của 2 ông bà là mảnh vườn nhỏ trồng vài luống rau. Năm 2013, được chính quyền xã thông báo lập hồ sơ để xét đề nghị hưởng trợ cấp dành cho TNXP. Nhưng đến nay, ông vẫn chưa được hưởng chính sách đãi ngộ do việc xác định đơn vị công tác, giấy tờ, phiên hiệu TNXP đều không còn. Ông Dung cho biết: “Những TNXP như chúng tôi được góp chút sức bé mọn vào phục vụ đất nước là niềm vinh hạnh. Chứ không đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải thực hiện chế độ chính sách. Giờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ chế độ cho cựu TNXP, chúng tôi biết ơn nhiều lắm. Thế nhưng, việc lo thủ tục giấy tờ phức tạp quá, tôi cũng không biết khi nào mới được trợ cấp”.

Ông Lò Văn Pản, sinh năm 1940 ở xã Mường Mươn, huyện Mường Chà là cựu TNXP làm nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Pa Khoang thuộc đơn vị N233. Năm nay, cựu TNXP Lò Văn Pản đã gần 80 tuổi. Ông phải đối mặt với cuộc sống bệnh tật, khó khăn vất vả nhưng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Vì ông không giữ được những giấy tờ gốc ngày ấy, không chứng minh được mình từng tham gia đơn vị TNXP nào. Để chứng minh sự thật là mình đã từng tham gia lực lượng TNXP, ông Pản đã nhiều lần cố gắng liên hệ với các đồng đội trong đơn vị nhưng đều không có kết quả. Chính vì vậy, dù bao năm trôi qua ông Pản chưa được nhận bất kỳ hỗ trợ nào. Ông Lò Văn Dung và ông Lò Văn Pản chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp cựu TNXP chưa được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước với nhiều lý do khác nhau và chủ yếu là do vấn đề thủ tục giấy tờ. Song, dù với bất cứ lý do gì đi nữa, thì sự thật là họ đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, quê hương và đến nay, sau gần 40 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, họ vẫn chưa được hưởng chính sách của Nhà nước bày tỏ sự tri ân, ghi nhận công lao của họ.

Lý giải vì sao tới nay vẫn còn nhiều cựu TNXP chưa được hưởng chế độ chính sách, ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, cho rằng: Mặc dù chính sách của Đảng, Nhà nước đã giải quyết được nhiều trường hợp TNXP hưởng chế độ, nhưng vẫn còn nảy sinh nhiều vướng mắc, không phù hợp với hoàn cảnh chiến trường và đời sống thực tại của TNXP, gây nên việc tồn đọng chính sách kéo dài nhiều năm không được giải quyết. Trong khi đó, do đặc thù của lực lượng TNXP, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị giải thể, không có cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận bàn giao, quản lý hồ sơ, danh sách, giấy tờ liên quan. Hơn nữa chiến tranh kết thúc hàng chục năm nay, rồi bão lũ thiên tai... nên phần lớn các cựu TNXP bị mất giấy tờ, chỉ còn lại vết thương cơ thể, có đồng đội làm chứng nhưng đối chiếu với quy định thì họ không đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Trong khi hầu hết thế hệ các cựu TNXP đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, thì vì nhiều lý do khác nhau, hàng nghìn người trong số họ vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp cho những năm tháng cống hiến tuổi xuân và cả máu xương. Bao năm trôi qua nhiều người đã ra đi sau những chờ đợi mỏi mòn, để lại nỗi ân hận, day dứt khôn nguôi trong lòng những đồng đội còn sống... Vì vậy, quá trình giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP còn nhiều vướng mắc. Để hỗ trợ các cựu TNXP thiết nghĩ các cấp ngành chức năng nên đề xuất, bổ sung, sửa đổi cơ chế cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cựu TNXP.