Điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe Hà Nội:

Đìu hiu xe khách đêm Điện Biên - Yên Nghĩa

Thứ Năm 14:28 05/01/2017

ĐBP - Mấy tuần qua, thông tin các chuyến xe khách tuyến Giáp Bát (Hà Nội) đi Điện Biên (và ngược lại) được chuyển sang Bến xe Yên Nghĩa (thay vì Bến xe Giáp Bát như trước đây), không chỉ là đề tài được các nhà quản lý, các doanh nghiệp vận tải khách trên tuyến quan tâm, mà ngay cả những hành khách thường đi - về trên tuyến này cũng băn khoăn vì những “bất tiện” khi thay đổi như vậy...

 

Chuẩn bị xuất bến nhưng trên xe khách 27B-000.18 của nhà xe Tuấn Nga vẫn chưa có hành khách nào. 

Căn cứ Thông báo số: 1679/TB-SGTVT, ngày 30/12/2016 của Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hà Nội, về việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô tại các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội theo định hướng của Bộ Giao thông - Vận tải; từ ngày 2/1/2017, chính thức điều chuyển toàn bộ các tuyến, phương tiện hiện đang hoạt động từ Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) đi Điện Biên về Bến xe Yên Nghĩa.

Chúng tôi có mặt tại Bến Xe khách tỉnh Điện Biên, sau khi Thông báo số 1679/TB-SGTVT Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành được 3 ngày. Lúc này là cuối giờ chiều, các tuyến xe đêm Điện Biên - Yên Nghĩa (Hà Nội) chuẩn bị xuất bến. Mặc dù sắp đến giờ khởi hành nhưng trên xe khách 27B-002.30 của nhà xe Minh Quân chỉ có vài khách; còn xe khách 27B-000.18 của nhà xe Tuấn Nga thì vẫn chưa có khách nào. Đứng trước đầu xe giường nằm cao cấp do Hàn Quốc sản xuất trị giá vài tỉ đồng, anh Lê Duy Tới (nhà xe Minh Quân) tiếp chuyện chúng tôi trong tâm trạng không mấy vui vẻ. Anh Tới cho biết: “Từ khi chuyển sang Bến Yên Nghĩa, mỗi chuyến chỉ có vài ba khách, không đủ chi phí tiền dầu. Toàn bộ hàng hóa khách quen gửi về Bến Giáp Bát như mọi khi, bây giờ họ gửi xe khác thuận tiện hơn. Một vài hành khách về Bến Yên Nghĩa là do họ có người nhà hay có công việc ở gần khu vực đó nên mới đi. Còn hầu hết hành khách về Hà Nội bây giờ họ chuyển sang tuyến Điện Biên - Mỹ Đình hoặc một số tuyến liên tỉnh đi qua Hà Nội như: Điện Biên - Hưng Yên; Điện Biên - Hải Phòng…”. Theo anh Hoàng Minh Tuấn, chủ nhà xe Tuấn Nga, thì đây là chuyến thứ 2 xe chạy từ Điện Biên về Yên Nghĩa, nhưng gần như chạy xe không, khách chỉ có vài người, hàng hóa chẳng có ai gửi. Nhiều khách gọi điện đặt vé về Hà Nội nhưng thấy bất tiện họ lại hủy vé. Ngay lúc chúng tôi đang trao đổi, chợt thấy một vị khách tay xách nách mang, anh Tuấn hỏi có về Bến Yên Nghĩa không, vị khách nọ không ngần ngại trả lời rằng: “Bến Yên Nghĩa xa lắm, tôi về bến Mỹ Đình vừa gần vừa tiện”. Nếu tình trạng này kéo dài thì đây thật sự là vấn đề khó khăn đối với các nhà xe chạy tuyến Điện Biên - Yên Nghĩa.

 

Sắp đến giờ khởi hành, trên xe khách 27B-002.30 của nhà xe Minh Quân chỉ có 2 hành khách. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Bến trưởng phụ trách Bến xe khách tỉnh Điện Biên, cho biết: Mục đích điều chuyển luồng tuyến là nhằm tránh phương tiện xe khách đi xuyên tâm thành phố Hà Nội, đỡ đi phần nào tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay. Hiện nay tuyến xe khách Điện Biên - Yên Nghĩa có 13 chuyến/ngày; việc chuyển tuyến từ Giáp Bát ra Yên Nghĩa giá vé vẫn không thay đổi và quy trình vận tải không có gì ảnh hưởng; chỉ có hành khách trước đây hay về tuyến Giáp Bát thì bây giờ hơi bất tiện, họ phải tính toán về bến nào, đi xe nào cho hợp lý. Từ Bến Yên Nghĩa vào trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15km, nếu hành khách đi người không hoặc mang hành lý nhỏ gọn thì có thể đi xe buýt vào thành phố; còn nếu mang hành lý cồng kềnh thì phải đi taxi hoặc xe ôm sẽ tốn kém hơn. Hiện tại, một số nhà xe đang có phương án thu hút khách bằng cách bố trí xe, hoặc trả phí taxi cho những hành khách có nhu cầu từ Bến Yên Nghĩa về Bến Giáp Bát, nhưng vẫn chưa biết phương án này có khả thi không và thực hiện được bao lâu? Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, dự báo thời gian gần đây nhất là vào các dịp cao điểm, lượng hành khách từ Điện Biên dồn về Bến xe Mỹ Đình sẽ tăng cao, việc chủ động xây dựng phương án tăng chuyến để đảm bảo đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người dân cũng đã được tính đến.

Vẫn biết, việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhằm lập lại trật tự vận tải, giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành. Và dư luận cũng đang kỳ vọng sự điều chuyển này sẽ có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, để ổn định hoạt động vận tải, tránh sự xáo trộn làm ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại và những chi phí không cần thiết của người dân, cũng như hoạt động của các nhà xe, doanh nghiệp vận tải; các cấp, ngành chức năng cần có những tính toán hợp lý, sao cho thuận cả đôi đường. Chưa biết hiệu quả của việc điều chuyển luồng tuyến ra sao, nhưng trước mắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và nhất là lợi ích kinh doanh của các nhà xe.