Vùng đất cửa ngõ thung lũng Mường Quài

Thứ Năm 9:21 07/09/2017
ĐBP - Dưới chân đèo Pha Đin hùng vĩ, cánh đồng Quài Tở như một tấm nhung xanh trải dài mênh mông theo các lũng núi. Trong số trên 6.040ha diện tích tự nhiên của xã, cánh đồng Quài Tở góp vào đấy với tư cách là “vựa lúa” lớn nhất, có vai trò quyết định sự no ấm (hoặc ngược lại) của hơn 1.800 hộ với gần 9.200 nhân khẩu, trong một xã mà nguồn sống phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập từ kinh tế nông nghiệp...

Khi chúng tôi tới thì rất may là “bộ ba” lãnh đạo xã Quài Tở cũng vừa trở về trụ sở Đảng ủy - UBND xã. Đó là chuyến công tác tập thể của cấp ủy, chính quyền xã trực tiếp đối thoại với nhân dân bản Lói, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, để xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân. Về nội dung cụ thể, tôi đoán có lẽ phải là vấn đề gì đó rất “nghiêm trọng” nên cả Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Cà Văn Lả và Phó Chủ tịch HĐND xã Tòng Văn Tưởng mới đồng thời “vi hành” như vậy. Thì ra không phải một vấn đề đơn lẻ mà là “một số các vấn đề”, về giao thông nông thôn, nước tưới nông nghiệp, nguồn điện thắp sáng cho khu vực dân cư xa quốc lộ, về chế độ chính sách để tạo đà cho những hộ nghèo vươn lên, về phân chia địa giới giữa bản Lói và bản Ngúa cùng xã...

 

Bình yên thung lũng Mường Quài.

Dường như đoán được những phân vân của chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Phúc, vui vẻ chia sẻ: “Cuộc đối thoại này đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu rồi, song do lãnh đạo xã lúc thì người này bận việc này, khi thì người kia bận việc kia nên nay mới tổ chức được. Qua đối thoại, cùng một vấn đề chúng tôi được nghe nhiều ý kiến, thậm chí cả những ý kiến trái chiều nhau. Chúng tôi hội ý nhanh, điều gì trả lời dân được thì trả lời ngay, cái gì vượt quá quyền hạn của xã cần phải xin chủ trương chỉ đạo của cấp trên, thì giải thích cho dân hiểu và hẹn một dịp khác gặp dân, có thể là trong những cuộc tiếp xúc cử tri chẳng hạn. Dân mình nhìn chung rất tốt, kể cả những kiến nghị chưa giải quyết được ngay nhưng đôi bên lắng nghe nhau, chia sẻ với nhau thì người dân cảm thấy rất thoải mái tư tưởng”.

Tại thời điểm này Đảng bộ xã Quài Tở có 31 chi bộ trực thuộc (gồm 23 chi bộ khối nông thôn và 8 chi bộ khối cơ quan, trường học, trạm y tế...) với 256 đảng viên. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Phúc, thuận lợi lớn nhất trong đường hướng phát triển của xã là được thụ hưởng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho miền núi, trong đó có xã Quài Tở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhờ kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng lên; quốc phòng - an ninh được tăng cường và giữ vững; hệ thống chính trị được chú trọng củng cố, kiện toàn. Cán bộ và nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, lao động cần cù, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...

Làm việc với Chủ tịch UBND xã Cà  Văn Lả, tôi cứ ngờ ngợ hình như đã gặp ông từ bao giờ nhưng không nhớ nữa. Lục mãi trong ký ức, thì ra đó là cuộc “tương diện” cách đây gần 7 năm, trên... cánh đồng Quài Tở sau trận lũ kinh hoàng đêm 26/9/2010. Số là sau trận lũ, Ban Biên tập Báo Điện Biên Phủ muốn có một phóng sự về sự thiệt hại cũng như nỗ lực khắc phục hậu quả của chính quyền và nhân dân trong xã. Vậy là tôi tức tốc lên đường cùng hành trang gọn ghẽ nhất và cơ động nhất. Với những người nông dân cả đời lam lũ cấy cày, đó là một trong những đêm kinh hoàng mà hình như cả xã không ai chợp mắt. Cùng với mưa là gió, cùng với gió là đá và cùng đá là màn đêm dày đặc như muốn thử thách sức chịu đựng của người dân. Trên những chân ruộng xơ xác, thấp thoáng bóng những người nông dân khom mình trên đất, trên đá để cố gắng “phục hoá” cho những thửa ruộng chưa một ngày bỏ hoang. Rất nhiều chỗ đá chồng lên đá, không chừa cho người dân một cơ hội sinh tồn nào trên những luống cày từng mấy đời đắp đổi cần lao.

Tất nhiên ngày ấy ông Cà Văn Lả chưa làm Chủ tịch UBND xã Quài Tở và nếu tôi không nhầm, thì hình như là cán bộ mặt trận hay trưởng, phó bản nào đấy; đó là lý do khiến chúng tôi chỉ gặp nhau thoáng qua chứ không để lại “ấn tượng” gì sâu sắc. Thay vào đó, ngay bên bờ con suối quanh co ngầu đục, anh “lực điền” có tên Lường Văn Oan (bản Co Hón), xoè đôi bàn tay bùn đất, bảo: “Năm ngoái đã lũ năm nay lại lũ tiếp và lũ năm nay còn lớn hơn năm ngoái. Bà con trong bản khẩn trương khắc phục những chân ruộng ít bị đất đá vùi lấp để kịp sản xuất cây màu vụ đông”. Mương máng, cầu cống, ao chuôm... cái gì có thể “lấy” được “thuỷ thần” đều đã mang đi, tuy thế, nghị lực của người dân Quài Tở không vì vậy mà nao núng. Câu ngạn ngữ: “Thái ăn theo nước”, mang hàm ý đa số người Thái sống và làm ruộng nước trong các lòng chảo nhiều sông suối khe rạch. Kinh nghiệm dẫn thuỷ nhập điền của tộc người đại diện cho nền văn minh thung lũng, đã giúp họ vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng thiên tai nhờ hệ thống mương - phai - lái - lịn vào hàng khuôn mẫu...

Vậy là gần trọn cuộc đời gắn bó với Quài Tở, Chủ tịch UBND xã Cà Văn Lả hiểu đồng đất Quài Tở, hiểu người dân trong xã, trong bản như hiểu chính câu “khắp” Thái có bao nhiêu cung bậc tình yêu. Ông cho biết với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, đời sống của bà con trong xã tuy đã khá hơn trước rất nhiều song nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn. Để giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, tự giác và chủ động vươn lên xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới, Đảng ủy và UBND xã đặc biệt chú trọng công tác dân vận, gắn với thực hiện quy chế dân chủ theo phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Các cuộc đối thoại với dân được tổ chức công khai, nếu cần thiết thì đưa ra các hội nghị để mọi người cùng biết và nhất là cùng giám sát, cùng thực hiện. UBND xã cử cán bộ phụ trách địa bàn xuống dự họp với các thôn, bản, khối dân cư để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở. Mặt khác, xã chủ trương tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong từng dòng họ, để vận động nhân dân cùng tham gia vào các công việc chung trong từng làng bản, cộng đồng, dòng họ, nhất là các cuộc vận động có quy mô lớn và thời gian dài do cấp trên phát động.

Hẳn chúng ta đều biết Quài Tở là xã vùng thấp, địa bàn rộng, có hai bản vùng cao xen kẽ và là bản đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách tại địa bàn còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, về chủ quan, hiệu quả quản lý, điều hành của một số mảng và bản thân một số cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế đời sống, công tác; nhất là hiệu quả chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, có lúc, có nơi mặt trận và các đoàn thể chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong vận động quần chúng và duy trì hoạt động của các phong trào. Trình độ, năng lực của một vài cán bộ, đảng viên còn yếu, chậm đổi mới tư duy, chưa đáp ứng so với nhiệm vụ được giao. Nhận thức của một số cấp uỷ viên về phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được toàn diện.

Theo tin từ bà Nguyễn Thị Thảo - Chánh Văn phòng Huyện ủy Tuần Giáo - được biết tính đến đầu năm nay, với 10 tiêu chí đã hoàn thành, Quài Tở đang là xã dẫn đầu toàn huyện trên lộ trình xây dựng Nông thôn mới. Tin rằng với những tiến bộ trông thấy, những thành tựu được cấp trên ghi nhận và nhất là được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định trong những năm tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quài Tở sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trên con đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no tại địa bàn vùng đất cửa ngõ thung lũng Mường Quài...