Triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR trong mùa khô

Thứ Tư 10:01 03/01/2018
ĐBP - Hiện nay, tỉnh ta có diện tích đất lâm nghiệp 776.745,85ha; diện tích đất có rừng gần 400.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,68%. Ðã bước vào mùa khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao. Ðể công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả PCCCR. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân về công tác PCCCR.

Theo báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra từ 40 - 50 vụ cháy rừng, làm thiệt hại từ 30 - 50ha rừng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy rừng do người dân dùng lửa trong rừng không đúng quy định: Dùng lửa tùy tiện để hun, bắt ong, sưởi lửa trong rừng; đốt nương không tạo đường băng cản lửa, chưa cử người canh gác... Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa xem trọng công tác PCCCR dẫn đến phương châm “4 tại chỗ” kém hiệu quả; việc phối hợp giữa các lực lượng trong PCCCR ở một số địa phương chưa tốt; công cụ phòng cháy chữa cháy còn thô sơ.

Nhằm nâng cao hiệu quả PCCCR mùa khô năm 2017 - 2018, UBND tỉnh bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Ðồng thời, chỉ đạo 10 huyện, thị xã, thành phố bổ sung, kiện toàn 10 Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện; 129 ban chỉ đạo cấp xã; 1.768 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR ở các thôn, bản (mỗi tổ có từ 8 - 12 người). Việc phân vùng trọng điểm rừng dễ bị cháy cũng được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 178.004ha rừng được xác định có nguy cơ cháy cao. Trong đó, huyện Ðiện Biên có 44.631ha thuộc các xã: Mường Nhà, Mường Pồn, Hua Thanh; huyện Mường Ảng có 6.281ha thuộc các xã Mường Ðăng, Ẳng Cang, Ẳng Nưa… Tại những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp phân công từng thành viên phụ trách địa bàn cụ thể, theo dõi và báo cáo kịp thời cho trưởng ban chỉ đạo cấp mình. Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phân công kiểm lâm địa bàn phụ trách các xã bám sát cơ sở phát hiện sớm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai các biện pháp PCCCR khi có tình huống xảy ra. Ðồng thời tập trung các giải pháp quản lý tốt việc sử dụng lửa trong rừng. Việc ngăn chặn nguồn lửa gây cháy rừng được giao cho kiểm lâm phụ trách địa bàn. Kiểm lâm phụ trách địa bàn được yêu cầu nắm được trong địa bàn phụ trách của mình có bao nhiêu hộ dân sinh sống, bao nhiêu hộ dân có diện tích nương trong rừng và giáp rừng cần xử lý thực bì trước mùa khô để hướng dẫn họ việc xử lý thực bì, làm đường ranh cản lửa, thời điểm đốt; báo cho người phụ trách địa bàn trước khi đốt... Khi đốt xong, kiểm lâm địa bàn cùng người dân kiểm tra kỹ hiện trường, đảm bảo không còn nguồn lửa có thể gây cháy trở lại. nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn dân về PCCCR, năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng mở 5 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCCR cho 300 lượt công chức kiểm lâm xã, trưởng các thôn, bản tham gia. Tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, PCCCR; Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg ngày 12/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/10/2007 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác PCCCR và chống chặt phá rừng mùa khô hanh cho trên 4.000 lượt người nghe.