Lao động sang Trung Quốc, Lào làm thuê

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thứ Tư 10:07 10/01/2018
ĐBP - Bên cạnh số lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập, công việc ổn định thì, thời gian qua tình trạng lao động sang Trung Quốc, Lào làm thuê ở tỉnh ta gia tăng, gióng lên hồi chuông cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng như những vấn đề liên quan…

Tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Cửa khẩu chính Huổi Puốc, Cửa khẩu phụ Si Pa Phìn và Lối mở A Pa Chải; năm 2017 có khoảng 46.327 lượt công dân của tỉnh Ðiện Biên và các tỉnh khác, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… xuất cảnh sang Trung Quốc và Lào bằng chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, giấy thông hành và giấy phép tạm thời. Trong đó, khoảng 28,1% (tương đương 13.011 lượt) người xuất cảnh này với mục đích lao động. Qua thống kê cho thấy, trong số này chỉ có 10 lao động sang Lào làm việc theo hợp đồng tại các công trường xây dựng. Do đa phần lao động tại tỉnh Ðiện Biên sang Trung Quốc, Lào làm thuê là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo lại làm việc theo hình thức tự do nên công việc chủ yếu của họ là làm việc tại các nông trường trồng chuối, trồng dứa và cây cao su; trồng, thu hoạch và chế biến thô hoa quả; làm thuê tại các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí hoặc buôn bán theo mùa vụ, bốc vác tại khu vực chợ biên giới… Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, lao động sang làm việc trái phép, thì mức tiền công trung bình (quy đổi ra tiền Việt Nam), người lao động được trả từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày (tùy từng công việc). Người lao động được trả tiền công trong ngày hoặc theo tuần, song thu nhập không ổn định do công việc chủ yếu là nhận khoán khối lượng hoặc thông qua một nhóm người và theo thỏa thuận. Tình trạng lao động trái phép diễn ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, như: số lao động bị quỵt lương, trả lương không đúng thỏa thuận, bị chiếm đoạt tiền lương, đối xử ngược đãi hoặc bị lừa làm công việc khác, gả bán, tai nạn lao động, tử vong… Tỷ lệ lao động bị đẩy, đuổi về nước qua đường mòn, sông suối, bị trục xuất qua cửa khẩu xảy ra tương đối lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tỉnh ta đã tiếp nhận 28 vụ, 108 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép do Công an Trung Quốc và Lào trao trả (khu vực biên giới với Trung Quốc 21 vụ, 70 người).

Tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) trong vài ba năm trở lại đây, người lao động trên địa bàn xã thường đi thành tốp từ 15 - 20 người qua Lối mở A Pa Chải sang phía bên kia Long Phú - Trung Quốc làm thuê, tập trung cao điểm vào thời điểm tháng 6 và tháng 12 trong năm. Bởi đây là mùa trồng và thu hoạch mía ở các nông trường phía bên kia biên giới. Thu nhập của người lao động quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng hơn 300.000 đồng/người/ngày, nhưng làm việc khá vất vả, theo tiến độ và theo mùa vụ. Bà Pờ Mì Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Xã tuyên truyền để người dân đi làm việc đúng quy định, tránh tình trạng bị chiếm đoạt tiền công, trả tiền công không đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đến nay một số người lao động ở các bản: Trung tâm, A Pa Chải… vẫn bị chủ nông trường phía Trung Quốc chưa trả đủ tiền công.

Ông Hà Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhằm quản lý người lao động Việt Nam sang Trung Quốc, Lào làm việc, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật, không vượt biên trái phép sang các nước lao động tự do và cư trú bất hợp pháp; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu hỗ trợ tạo việc làm cho người di cư tự do sang biên giới sau khi về nước có thu nhập, cuộc sống ổn định, yên tâm làm ăn, sinh sống, tái hòa nhập xã hội và cộng đồng tại nơi cư trú. Cùng với đó là triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; gắn công tác dạy nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động để người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thực hiện quy chế biên giới; xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp, các mô hình công quản bám sát cơ sở, nhất là tại thôn bản để đưa chính sách, pháp luật đến người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý địa bàn, quản lý cư dân, hạn chế số lượng, số lượt cư dân qua biên giới làm thuê.