Hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Thứ Hai 10:05 11/06/2018
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) để BHXH thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới BHXH toàn dân là một trong những mục tiêu quan trọng đã được xác định rõ tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23-5-2018).

Trên thực tế, lâu nay việc mở rộng diện bao phủ BHXH vẫn luôn là mục tiêu được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Kể từ khi BHXH bắt đầu được thực hiện cách nay gần 60 năm, chính sách BHXH đã không ngừng được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng. Đặc biệt, từ năm 1995, thay vì chỉ “bó hẹp” trong khu vực nhà nước, để đáp ứng những yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước, cùng với việc cải cách công tác tổ chức thực hiện, chính sách BHXH đã được mở rộng đối tượng tham gia đến người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế với tất cả các chế độ theo thông lệ quốc tế. Tiếp đó, hệ thống chính sách BHXH tiếp tục được phát triển với chế độ BH thất nghiệp và BHXH theo phương thức tự nguyện (áp dụng đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động - lao động ở khu vực phi chính thức).

Cùng với đó, cuối năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, trong đó đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp…

Với việc hoàn thiện chính sách và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh công tác thực hiện chính sách theo quy định của pháp luật BHXH, trong những năm qua, số người tham gia BHXH tại nước ta đã không ngừng gia tăng và tăng cao hơn so với mức tăng lực lượng lao động. Tính đến năm 2017, cả nước đã có 13,9 triệu lao động tham gia BHXH, trong đó 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng hơn 10 triệu người so những năm 1995 - 1996), 300.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 11,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Qua việc mở rộng đối tượng tham gia, đến nay mỗi năm đã có khoảng 150.000 người được hưởng BHXH hằng tháng; hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần; hơn 9 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn khi ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 600.000 lao động thất nghiệp được hưởng BH thất nghiệp... với tổng số chi hàng trăm nghìn tỷ đồng. Từ đó đã góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi người lao động hết tuổi lao động hay gặp những rủi ro về sức khỏe, việc làm trong quá trình làm việc...

Những kết quả này là rất quan trọng và không thể phủ nhận, nhưng nếu so với những mục tiêu đề ra thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Cụ thể là đến năm 2017, tỷ lệ lao động tham gia BHXH mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Tình trạng trốn, tránh đóng BHXH bắt buộc còn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn lao động...

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đề cập tới vấn đề cải cách chính sách BHXH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh thực trạng: Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh...

Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH, Trung ương đã đưa ra mục tiêu “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Và 11 nội dung cải cách chính sách cũng như năm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Nghị quyết xác định chính là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa đi tới mục tiêu quan trọng này, để BHXH thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.