Quyết tâm xây dựng Nậm Pồ giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh

Thứ Sáu 8:45 22/06/2018
ĐBP - Ngày 23/6/2013, huyện Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Nhé và Mường Chà. Huyện có diện tích tự nhiên 149.559,12ha, dân số gần 51 nghìn người; 15 xã, trong đó có 8 xã biên giới, 131 bản, 8 dân tộc (dân tộc Thái 18,50%, dân tộc Mông 69,18%, dân tộc Dao 4,15%, còn lại là các dân tộc khác), xuất phát điểm thấp vô vàn khó khăn.

 

Nếu được đầu tư, hồ Nậm Khăn có thể sẽ trở thành cơ sở nuôi trồng thủy sản cho nhân dân trong vùng.

Khi mới thành lập, Nậm Pồ là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, di cư tự do, tuyên truyền “Vương quốc Mông” nhưng chỉ trong thời gian ngắn huyện đã thành công chuyển hóa hoàn toàn, tình hình an ninh trật tự đảm bảo ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Huyện tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của địa phương, lấy đó làm đòn bẩy tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Diện tích đất có rừng chiếm trên 40% (59.000ha) huyện tập trung khảo sát, khoanh nuôi, bảo vệ. Việc thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với hỗ trợ trồng rừng đã tạo nguồn lực cho kinh tế rừng phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, diện tích đất chưa sử dụng toàn huyện là 63.936,81ha, quỹ đất này là điều kiện quan trọng để các địa phương phát triển chăn nuôi đại gia súc, đồng thời khai hoang ruộng bậc thang dần thay đổi tập quán trồng lúa nương, chuyển quỹ đất nương sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và những mặt khó khăn, hạn chế, huyện xây dựng Ðề án Giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, xác định mục tiêu giảm nghèo hàng năm. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 15/15 xã, trong đó làm mới quy hoạch của 8 xã mới chia tách. Các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cũng gắn kết và đồng bộ với nội dung Quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm huyện, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là trụ cột cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong 5 năm (2013 - 2018), 2 chương trình này đã mang lại cho huyện những đổi thay về mọi mặt. Giá trị sản xuất năm 2017 tăng gấp đôi so với năm 2013, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kéo theo cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh nhân lực lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp có nhiều bước tiến quan trọng. Diện tích ruộng nước tăng 60% so với ngày mới thành lập huyện (đến nay đạt gần 2.000ha). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 18.000 tấn, bình quân mỗi năm tăng trên 900 tấn; lương thực bình quân đạt 359kg/người/năm, an ninh lương thực đảm bảo. Ngành chăn nuôi phát triển rõ nét mang lại thu nhập cao; đàn gia súc tăng bình quân gần 1.200 con trâu, bò/năm, làm cơ sở để huyện dần trở thành vùng chăn nuôi gia súc lớn.

 

Người dân xã Pa Tần thu hoạch chè cây cao.

Kinh tế rừng đang là hướng đi hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho nhiều địa phương trong huyện. Nhiều mô hình trồng các loại lâm sản ngoài gỗ được nhân rộng. Ðiển hình như: Mô hình trồng sa nhân xanh dưới tán rừng ở xã: Nậm Khăn, Chà Nưa, Chà Tở, Pa Tần; mô hình trồng chít tại xã: Nậm Nhừ, Nậm Chua, Nà Khoa; mô hình trồng cây thảo quả ở xã Na Cô Sa… hàng năm mang lại cho nhân dân hàng chục tỷ đồng. Việc tiếp cận với tài nguyên rừng đã giúp các hộ dân đa dạng hoá sinh kế.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân dân. Toàn huyện có 4 chợ đầu mối nông sản; xây mới, nâng cấp 6 điểm chợ tập trung: Vàng Lếch (xã Nậm Tin), Chà Cang, Nà Hỳ, Phìn Hồ, chợ phiên biên giới Si Pa Phìn và chợ trung tâm huyện tạo điều kiện cho người dân mua bán, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và sắp xếp dân cư thành đô thị nông thôn quanh các khu chợ. Từ năm 2017 huyện có sản phẩm công nghiệp gạch không nung đảm bảo cung ứng cho thị trường vật liệu xây dựng trong huyện.

Ðặc biệt, huyện Nậm Pồ luôn chú trọng tập trung các nguồn lực đầu tư cải thiện cơ bản diện mạo cơ sở hạ tầng thiết yếu. 5 năm qua tổng nguồn vốn đầu tư vào huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, huyện đã mở mới, cải tạo, nâng cấp trên 400km đường giao thông, 124/131 bản có đường ô tô; kiên cố hóa, cứng hóa hơn 300 phòng học, nhà công vụ, nhà ở học sinh; điện lưới quốc gia đến 72/131 bản, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện từ 17% lên trên 68%; xây mới 4 trạm y tế xã, nâng cấp 2 phòng khám đa khoa khu vực, hình thành một số điểm giao thương hàng hóa, mua bán trâu, bò ở các xã, nâng cấp sửa chữa 83 công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt. Ðưa mạng internet đến 100% xã, trường học, cơ quan trong huyện. Có 12/15 trụ sở xã được xây mới, chỉnh trang và nâng cấp khang trang (chuẩn bị đầu tư 4 trụ sở xã mới chia tách); các xã đều có công trình xử lý rác thải khu trung tâm xã; có 1 xã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Cùng với phát triển kinh tế, các mặt văn hóa - xã hội đã được quan tâm, chăm lo tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của huyện. Trong đó, sự nghiệp giáo dục có bước tiến mạnh. Ðến nay tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS đến trường đạt trên 95% (trong đó trẻ 5 tuổi và tiểu học đạt trên 99,8%). Toàn huyện hiện có 2 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 12 trường THCS, 15 trường tiểu học và 12 trường mầm non. Trong đó, có 20 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 17 trường so với năm 2013), 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện được duy trì, đảm bảo thực chất, đồng đều ở các cấp học; giữ vững và nâng chất lượng phổ cập giáo dục; 100% các trường học ở điểm trung tâm có khuôn viên và được xây dựng kiên cố sạch, đẹp.

Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng: Trung tâm Y tế huyện được đầu tư nâng cấp với quy mô 50 giường bệnh, 15/15 xã có trạm y tế, 13/15 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố công trình cấp với 3 hoặc cấp 4, 8 trạm y tế xã được sửa chữa nâng cấp. Ðến nay, 5/15 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 33,3%), trong đó có xã Chà Nưa đạt tiêu chí y tế trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 24,4%. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao.

Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở hoạt động sôi nổi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; vai trò của già làng, người có uy tín, ở địa phương được phát huy, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ðến nay, toàn huyện có 25,8% thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa; 31,2% gia đình đạt gia đình văn hóa; 78,4% cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 80% giảm xuống 63%.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nậm Pồ quyết tâm thực hiện đổi mới, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc, ổn định dân cư. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, phương thức sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và rừng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới... Quyết tâm xây dựng huyện Nậm Pồ “Giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về nếp sống văn hoá, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Nguyễn Văn Thái

Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ