Huyện Mường Ảng

Khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Sáu 9:17 06/07/2018
ĐBP - Xác định đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn là yếu tố quan trọng để hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua huyện Mường Ảng chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn. Thông qua việc cử cán bộ trực tiếp đến các xã phối hợp với UBND xã và các tổ chức đoàn thể điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề; tuyên truyền, tư vấn, phổ biến chính sách cho người lao động; vận động bà con tham gia học nghề tại các xã, bản trên địa bàn... công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần giải quyết, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới.

 

Việc đầu tư phát triển chăn nuôi sau khi tham gia lớp đào tạo của các học viên còn nhỏ lẻ, manh mún vì thiếu vốn.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện Mường Ảng mở 12 lớp đào tạo nghề cho 420 lao động tại địa phương, chủ yếu về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn... trong khi các nghề phi nông nghiệp rất ít. Nguyên nhân của việc người lao động chủ yếu chọn học các lớp đào tạo nghề nông nghiệp là vì những ngành nghề phi nông nghiệp: Kỹ thuật hàn, sửa chữa xe máy… điều kiện học tập chưa đảm bảo. Số lượng, chất lượng máy móc, trang thiết bị phục vụ thực hành không đủ hoặc đã lỗi thời; thời gian khóa học ngắn, học viên không có điều kiện thực hành nhiều dẫn đến tay nghề yếu. Chất lượng đào tạo không cao, không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động, làm cho việc tìm việc làm sau khi học ngày càng khó. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 doanh nghiệp đòi hỏi người lao động có trình độ, kỹ năng ngày càng cao. Ðiều này khiến không ít lao động sau khi học nghề phải bỏ ngang hoặc làm không tới nơi, tới chốn.

Trong khi đó, các lớp học nghề nông nghiệp khả quan hơn vì những kiến thức được học, bà con có thể áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình; học viên có sẵn tư liệu sản xuất, sau khi tham gia các khóa học. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô theo hình thức gia trại, trang trại, thì vẫn còn ít hộ dân có thể làm được; lý do là thiếu vốn. Ðiều này dẫn đến các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Chính sự chênh lệch trong cơ cấu nghề như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch...

Thêm vào đó, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Mường Ảng hiện nay là: Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở dạy nghề còn thiếu chưa có trụ sở làm việc riêng, do vậy khó chủ động trong việc tổ chức các lớp học. Số lượng giáo viên cơ hữu về lĩnh vực chăn nuôi - trồng trọt còn thiếu nên khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy cũng như việc quản lý về chuyên môn. Mức kinh phí đào tạo nghề còn thấp, nhất là đối với một số nghề cần mua con giống, vật liệu phục vụ thực hành, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Công tác giới thiệu việc làm và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của người lao động chưa được các cấp, các ngành quan tâm và đầu tư đúng mức. Ðặc biệt là việc giải quyết vay vốn sau học nghề để phát triển sản xuất...

Ðể công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao hơn ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Có như vậy người dân mới yên tâm tham gia các lớp học nghề để nâng cao tay nghề và kỹ năng, tìm kiếm công việc với mức thu nhập ổn định ở những nghề phi nông nghiệp.