Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS

Thứ Năm 8:55 02/08/2018
ĐBP - Ðội ngũ cán bộ, công chức viên chức (CCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh thời gian qua được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng nhờ tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó đã góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào DTTS. 

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, CCVC là người DTTS trong tổng số cán bộ CCVC chưa tương xứng với cơ cấu dân tộc toàn tỉnh. Minh chứng cho điều đó là tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 80% dân số toàn tỉnh, trong khi ở cấp tỉnh công chức là người DTTS chiếm tỷ lệ gần 20%; viên chức chiếm gần 30%; cấp huyện chỉ đạt gần 30% đối với công chức và gần 40% đối với viên chức. Ðối với cấp xã, số lượng cán bộ công chức (CBCC) cấp xã người DTTS chiếm cao nhất (hơn 80%) là người DTTS. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, CCVC người DTTS trình độ chuyên môn thấp, năng lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Nhất là ở cấp xã, số lượng viên chức chưa đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm chiếm tới gần 30%.

 

Cán bộ nữ người dân tộc thiểu số xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: Gia Kiệt

Sau 5 năm chia tách, huyện biên giới Nậm Pồ đã có 1.468 cán bộ, CCVC là người DTTS. Trong đó, 5 cán bộ, CCVC có trình độ thạc sĩ đang công tác tại UBND huyện. Dự kiến, số lượng cán bộ, CCVC có trình độ thạc sĩ trên địa bàn sẽ tăng đáng kể với 64 người hiện đang theo học các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ tại tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, nhờ thực hiện tốt các chính sách về dân tộc cũng như các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, bổ nhiệm đối với con em người DTTS đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, đến nay, người DTTS công tác trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, xã chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ, CCVC là người DTTS ở cấp huyện chiếm 67,2%; tỷ lệ CBCC cấp xã người DTTS chiếm gần 95,4%. Trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, CCVC là người DTTS huyện đặc biệt quan tâm tới những CBCC trẻ người DTTS, người địa phương để phân công, bố trí công tác phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện thực tế để CBCC có thể phát huy khả năng cũng như cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Tương tự như Nậm Pồ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS thời gian qua luôn được huyện Tủa Chùa chú trọng. Hiện nay, tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đều có người DTTS được bổ nhiệm, tuyển dụng, hợp đồng vào làm việc. Toàn huyện hiện có 929 cán bộ, CCVC là người DTTS. Trong đó, tại cấp huyện, tỷ lệ người DTTS chiếm 52,5%; cấp xã gần 90%. Nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức là người DTTS; riêng năm 2017 huyện đã đào tạo, bồi dưỡng cho 262 CBCC thuộc các lĩnh vực: quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và bồi dưỡng kỹ năng đại biểu HÐND.


Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Lan Phương

Dù đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, song từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cho thấy, năng lực công tác của một bộ phận cán bộ, CCVC là người DTTS còn hạn chế. Thể hiện ở trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực tham mưu, điều hành, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn còn thấp nên khó khăn, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong cơ cấu chung cán bộ, CCVC của địa phương ngày càng tăng, song cơ cấu giữa thành phần dân tộc chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ của một số DTTS chưa cân đối với tỷ lệ dân số của dân tộc đó. Cán bộ người DTTS cấp huyện, cấp xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn chiếm tỷ lệ cao. Chất lượng CBCC cơ sở, nhất là trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ cấp xã còn hạn chế, ảnh hưởng tới năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Ngay như tại huyện Tủa Chùa dù đã rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức là người DTTS nhưng hiện vẫn còn tới 12 CBCC cấp xã chưa qua đào tạo về trình độ chuyên môn; còn 10 CBCC trình độ chuyên môn sơ cấp; 48 CBCC cấp huyện, cấp xã chưa qua đào tạo trình độ lý luận chính trị. Hay như tại huyện Nậm Pồ hiện còn tới 56 CBCC cấp xã là người DTTS chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn; 219 CBCC cấp huyện, cấp xã chưa qua đào tạo trình độ lý luận chính trị...

Ðể khắc phục thực trạng đó, tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC người DTTS đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao nhận thức và hành động trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC người DTTS. Ngoài thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng CCVC là người DTTS theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của ngành, địa phương; hàng năm thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND cấp huyện phải xác định tỷ lệ biên chế hợp lý để tổ chức tuyển dụng người DTTS vào CCVC. Ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, CCVC người DTTS là nữ, trẻ, rất ít người tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp. Ðối với cán bộ là người DTTS chưa đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, đào tạo thì có thể ưu tiên các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện thực tế để xem xét đưa vào quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Thực hiện tốt chính sách luân chuyển cán bộ người DTTS theo quy hoạch nhằm tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường luân chuyển cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất về giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào DTTS... Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cán bộ CCVC người DTTS tối thiểu chiếm 20% tổng số biên chế được giao đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh. Ðối với các huyện (trừ TX. Mường Lay, TP. Ðiện Biên Phủ); tỷ lệ cán bộ CCVC người DTTS tham gia các cơ quan, tổ chức, đơn vị của huyện tối thiểu là 35% tổng số biên chế được giao. Xã có tỷ lệ người DTTS hơn 70% tổng dân số, tỷ lệ CBCC cấp xã người DTTS phải đạt tối thiểu 50% tổng số CBCC cấp xã...