Ðưa thông tin báo chí đến vùng cao

Thứ Năm 8:39 30/08/2018
ĐBP - Ðã vài năm nay, cứ mỗi chuyến công tác đến địa bàn vùng cao, chúng tôi lại đem theo một số tờ báo Ðiện Biên Phủ để biếu bà con các bản nơi vùng sâu, vùng xa. Và trong chuyến công tác tại huyện Mường Nhé lần này cũng không ngoại lệ, những tờ báo Ðiện Biên Phủ thời sự, cuối tuần và vùng cao được chúng tôi gói cẩn thận, mang tới tận tay cho bà con nơi chúng tôi đặt chân tới.

 

Người dân tộc Khơ Mú (huyện Mường Ảng) tìm hiểu thông tin trên báo.

Không phải lần đầu nhận những tờ báo từ tay chúng tôi, nhưng anh Sừng Khá Nụ, Trưởng bản Tá Miếu, xã Sín Thầu vui vẻ đến lạ thường. Cầm tờ báo trên tay, anh Sừng Khá Nụ cho biết: “Bản tôi vẫn thường xuyên được nhận một số tờ báo, như: Báo Nông thôn ngày nay, Báo Dân tộc, Báo Ðại đoàn kết và Báo Ðiện Biên Phủ... do chính quyền xã phát. Tuy nhiên, số báo này không đủ cho nhu cầu của bà con trong bản. Hàng ngày, bà con tiếp xúc với thông tin chủ yếu qua ti vi và báo giấy. Nhưng do đặc thù vùng cao, bà con thường xuyên đi nương nên không có điều kiện theo dõi ti vi. Chính vì thế, những tờ báo Ðiện Biên Phủ hay ấn phẩm báo in khác có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Bà con có thể truyền tay nhau để đọc và nắm được chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hướng của tỉnh, của Trung ương và các bộ ngành… Ðây là cách tốt nhất để tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của các địa phương trong nước và trong tỉnh để học tập và áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình...”.

Thực tế lâu nay, bà con người dân tộc Hà Nhì bản Tá Miếu rất tin tưởng các thông tin trên báo chí. Có tờ báo, họ truyền tay nhau xem đi xem lại nhiều lần. Báo chí phản ánh rõ nét và chân thực đời sống, con người, sự thay đổi của địa phương nơi mà bà con chưa bao giờ đặt chân tới. Qua thông tin trên báo, trình độ dân trí của người dân cũng được mở mang hơn. Trước đây, bà con bản Tá Miếu gieo trồng chưa đúng thời vụ nên năng suất, chất lượng ngô, lạc không cao. Từ khi đọc được những cách làm hay của nông dân ở địa phương khác, như: Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, bà con đã biết cách áp dụng kinh nghiệm mới trong gieo trồng, vì thế tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm.

Một số tờ báo chúng tôi mang theo chưa đủ cho nhu cầu của 45 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu bản Tá Miếu. Bởi vậy, Trưởng bản Sừng Khá Nụ đề nghị lần sau trở lại công tác, chúng tôi cố gắng mang nhiều báo hơn nữa để tặng bà con. “Buổi họp bản tới đây, tôi sẽ phát báo cho các già làng trong bản và trực tiếp đọc những bài viết hay, thông tin bổ ích trên báo cho bà con dân bản cùng nghe” - anh Sừng Khá Nụ nói. Thấy trưởng bản trân trọng và nâng niu những tờ báo Ðiện Biên Phủ và một số ấn phẩm báo in khác, người làm báo như chúng tôi cũng cảm thấy vui lòng.

Trở lại bản Nậm Sin, cách trung tâm xã Chung Chải hơn 20km, tôi gặp già làng Hù Chà Thái ngay đầu bản. Sau những câu xã giao, già làng không quên hỏi: “Cô phóng viên có mang thêm báo cho bà con chúng tôi không?”. Sau khi nhận những tờ báo chúng tôi tặng, già làng nhanh chóng phát cho một số người dân xung quanh và phấn khởi cho biết: Ðời sống của người dân tộc Si La ở bản Nậm Sin còn nhiều khó khăn, đa phần bà con chưa có điều kiện sắm tivi, đài phát thanh nên ít biết đến các thông tin thời sự, xã hội. Vì thế, mỗi tờ báo đối với họ vô cùng quý giá. Một tờ báo, họ đọc kỹ từng bài viết, từng tin; đọc cho nhau nghe; truyền tay nhau đọc. Người già mắt kém không đọc được, thì đưa báo cho các cháu, các con đọc giúp.

Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin, cho biết: Từ lâu, tôi đã trăn trở với cuộc sống của người dân tộc Si La trong bản, không chỉ đời sống kinh tế còn khó khăn, mà tư tưởng của bà con thật sự chưa đổi mới; một số hủ tục vẫn tồn tại ảnh hưởng tới người dân nơi đây... Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động của chính quyền xã để bà con nâng cao kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm thì những thông tin do chính bà con khai thác qua những tờ báo thực sự giúp bà con học hỏi kinh nghiệm và thay đổi tư duy. Ví như trước đây, bà con trong bản chưa ý thức được việc di cư tự do ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và an ninh trật tự khu vực; nhưng từ khi đọc được thông tin trên báo chí, bà con đã dần hiểu ra, nhiều hộ đã bỏ tư tưởng du canh, du cư, ở lại bản làm ăn, sinh sống. Ðồng thời, thấy người dân tộc các bản khác di cư vào địa bàn, bà con báo ngay cho chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng tới vận động, quản lý theo quy định.

Có thể nói, báo chí thực sự có ý nghĩa lớn đối với người dân tộc ở vùng cao. Nhưng thực tế hiện nay, một số địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm tới việc đem báo chí đến tận tay người dân vùng cao. Xin được giấu tên một xã thuộc huyện Tủa Chùa, nơi chúng tôi từng đặt chân tới, thấy những chồng báo được nhân viên bưu điện mang đến hàng tuần, nhưng cán bộ xã lại không phát cho các trưởng bản đem về cho bà con. Những tờ báo được chất chồng lên nhau tháng này qua tháng khác, đã ngả màu vàng ố khiến chúng tôi không khỏi tiếc nuối, xót xa. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, trước tầm quan trọng của việc đưa thông tin đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa; rất mong các cấp chính quyền cơ sở tại các địa phương sẽ quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn trong việc đưa thông tin báo chí về tận bản để giúp bà con tiếp cận những thông tin thời sự chính thống từ đó nâng cao dân trí, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.