Góc nhìn nhà báo

Cần những ý kiến đóng góp thực sự trách nhiệm

Thứ Năm 8:45 13/09/2018

ĐBP - Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng nhanh chóng “phủ sóng” đến tận vùng sâu, vùng xa. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối internet, ở bất cứ đâu, bất kể nơi nào mọi thông tin trong nước, thế giới cũng được người sử dụng cập nhật… Không thể phủ nhận những ích lợi mà mạng xã hội đem lại, tuy nhiên thời gian gần đây, rất nhiều người do thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế, đặc biệt là thiếu trách nhiệm trong việc kiểm định thông tin đã vội phê phán theo “phong trào” một sự việc, vấn đề mà dư luận quan tâm. Thậm chí, còn có những lời lẽ nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm đối với một số cá nhân có liên quan - đó là những hành vi vi phạm pháp luật. 

Một trong những sự việc gần đây được người dân cả nước cũng như cộng đồng mạng quan tâm đó là chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Ðại. Chúng tôi không bàn đến nội dung cuốn sách cũng như tác dụng của nó đối với học sinh mà chỉ nói đến nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội khi đưa ra các quan điểm về chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

Nếu thâu tóm lại, có thể thấy đa phần người dùng mạng xã hội đều phê phán, chỉ trích chương trình giáo dục này, thậm chí xúc phạm đến tác giả cuốn sách. Ngày một, ngày hai, những ý kiến ấy tạo thành làn sóng trên mạng, vô hình trung khiến cho nhiều người cũng a dua theo qua các lượt “thích” và “chia sẻ” trên mạng.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, việc gây rối, phá hoại xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào thời điểm Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Ðơn vị kinh tế, hành chính đặc biệt (Ðặc khu) hồi đầu tháng 6 là một bài học lớn cho những người tưởng chừng đang thể hiện lòng yêu nước nhưng lại làm tổn hại cho chính đất nước. Từ việc thể hiện các ý kiến, quan điểm chủ quan cá nhân trên mạng xã hội đã dẫn đến những hành động mù quáng. Bởi những người có hành vi gây rối thời điểm ấy hầu hết là những người bị kích động, rủ rê, thậm chí bị lợi dụng, bị mua chuộc để tham gia vào những hành vi gây rối, phá hoại của các thế lực thù địch mà chưa hề đọc, chưa tìm hiểu về Dự án Luật Ðặc khu.

 
Nói như vậy để thấy rằng, lợi ích từ internet mang lại là rất to lớn nếu người sử dụng có trách nhiệm; thẳng thắn tham gia những ý kiến đóng góp với các cơ quan chức năng trên tinh thần xây dựng. Ở chiều ngược lại, nếu người sử dụng mạng xã hội khi chưa tìm hiểu, xác nhận thông tin một cách thấu đáo, vội tin, a dua theo phong trào để rồi bị kích động tới mức mất kiểm soát hành vi, dẫn đến vi phạm pháp luật có nghĩa đang tự làm hại chính mình, gia đình cũng như quê hương, đất nước.