Nông dân dạy nghề cho nông dân

Cách làm hay và hiệu quả

Thứ Năm 9:06 11/10/2018

ĐBP - Xác định công tác dạy nghề cho nông dân là việc làm quan trọng, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ và đào tạo nghề cho hội viên nông dân. Ðặc biệt là việc lấy những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho những nông dân khác đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác dạy nghề cho hội viên. Việc sử dụng “giáo viên” là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm “cầu nối” chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm giàu là cách làm hay; thay vì truyền đạt những kiến thức lý thuyết thì họ đã truyền đạt kinh nghiệm thực tế nên các phương pháp dạy dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng hơn.

 

Hội viên nông dân học tập kinh nghiệm nuôi dế do những nông dân sản xuất giỏi hướng dẫn.

Với kinh nghiệm gần 20 năm trong trồng trọt, chăn nuôi, ông Lò Văn Miên, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) là một trong số những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, gia đình ông có hơn 10ha chuyên trồng cam, bưởi và nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Từ những kết quả đạt được, Hội Nông dân tỉnh đã tin tưởng và thường xuyên tổ chức cho hội viên nông dân tới tham quan mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Miên; từ đó, ông trở thành “giáo viên” bất đắc dĩ và thường xuyên hướng dẫn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân trên địa bàn. Ông Miên chia sẻ: Những gì tôi hướng dẫn cho bà con là kinh nghiệm thực tế sau nhiều năm trồng trọt, chăn nuôi đúc kết được. Bên cạnh đó, ông Miên còn tham quan nhiều khu vực trồng cam, bưởi nổi tiếng tại các tỉnh bạn, kể cả trong miền Nam; tìm hiểu thông tin trên sách báo để học hỏi, áp dụng vào vườn cây của gia đình.

Từng tham quan, học hỏi mô hình trồng cam, bưởi và được ông Lò Văn Miên hướng dẫn, chỉ dạy nhiều kỹ thuật trồng trọt và giải đáp những thắc mắc về cách phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả, chị Lò Thị Hương, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên), cho biết: Là người địa phương nên ông Miên am hiểu đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai ở đây, nên ông hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho hội viên nông dân sát với thực tế của địa phương. Ngoài ra, cũng là một nông dân đi lên từ gian khó nên ông Miên cũng không ngần ngại chia sẻ những kỹ thuật, cách làm hay cho bà con. Với phương châm “cầm tay, chỉ việc”, các hội viên dễ hiểu hơn khi được nghe chính những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Việc đào tạo nghề cho nông dân không phải chỉ có các giáo viên trong trường nghề mà còn có những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, bởi vì họ là những người có kinh nghiệm, am hiểu và bám sát với địa phương nơi mình sinh sống nên truyền đạt sẽ dễ nghe hơn. Ðặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Ðiện Biên thì càng thiết thực hơn, vì nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số nên hiểu ngôn ngữ, văn hóa, nếu họ trực tiếp hướng dẫn hội viên ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với khoa học kỹ thuật thì nông dân sẽ dễ hiểu hơn nhiều.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 70 hộ sản xuất giỏi cấp Trung ương, gần 450 hộ sản xuất giỏi cấp tỉnh; trên 1.600 hộ sản xuất giỏi cấp huyện và gần 5.230 hộ sản xuất giỏi cấp cơ sở; trong đó có các nông dân được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, như các ông: Lò Văn Pâng, xã Nà Tấu; Lò Văn Thành, xã Thanh Luông; Lò Văn Miên, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên); Vàng Văn Lập, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ)... Họ là những hộ sản xuất giỏi, là “giáo viên” nông dân đã thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế trong gia đình và có uy tín với cộng đồng; đồng thời luôn sẵn sàng truyền đạt lại những kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi, trồng trọt để hội viên nông dân học tập.

Có thể nói, việc áp dụng phương pháp lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để dạy nghề cho nông dân đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Nhờ kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm của những nông dân đã thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế trong gia đình truyền đạt lại, hội viên nông dân dễ hiểu, dễ áp dụng; từ đó tạo ra được sự đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.