Nhiều nguy cơ tai nạn lao động trong nông nghiệp

Thứ Năm 9:47 06/12/2018

ĐBP - Nhiều vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp xảy ra thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan hoặc thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động…

 

Nông dân xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) không sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

Kể cho chúng tôi nghe vụ bị điện giật khi sử dụng máy tuốt lúa gần 2 năm trước, ông Nguyễn Văn T. xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) vẫn không khỏi bàng hoàng. Chỉ vì bất cẩn mà ông bị giật khi cuộn dây dẫn của máy tuốt bị hở. Rất may, được người nhà kịp thời phát hiện nên ông đã thoát khỏi lưỡi hái “tử thần”, nhưng cánh tay phải bị ảnh hưởng do điện giật nên mỗi khi trái gió trở trời lại bị nhức mỏi.

Còn với chị Lò Thị Tươi, xã Mường Pồn vết sẹo dài để lại trên mu bàn tay trái do sơ ý bị lưỡi liềm cắt vào tay khi gặt lúa. Vì không đeo găng tay bảo hộ lao động nên vết thương hở khá sâu và phải mất cả tháng mới lành. Ðó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra trong nông nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chủ quan hoặc chưa thực sự coi trọng việc bảo vệ an toàn cho bản thân khi làm việc. Chị Tươi tâm sự: Làm đất, cấy gặt, phun thuốc bảo vệ thực vật… là những việc giản đơn, quá quen thuộc hàng ngày với nhà nông. Vì thế, mình không bao giờ nghĩ tới việc lại gây tai nạn cho chính mình.

Cùng với việc chủ quan trong việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc, vấn đề vệ sinh lao động trong nông nghiệp thời gian qua cũng chưa được người dân thực sự quan tâm. Chính vì vậy, khá phổ biến tình trạng bà con phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, rau màu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, như: không đeo khẩu trang, găng tay, giày, ủng hay lấy tay trần xé vỏ thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc không đúng thời điểm (vào sáng sớm hoặc chiều muộn), phun không đúng liều lượng, tỷ lệ thuốc pha… Ðiều đó dẫn đến người trực tiếp phun thuốc bị ảnh hưởng rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm do thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Thậm chí một số người đã bị say thuốc, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn… ngay khi phun thuốc. Dù đã được cơ quan chức năng khuyến cáo rất nhiều, nhưng người lao động do thói quen làm việc tự do, tùy tiện, chưa thấy được hết mối nguy hại trong điều kiện làm việc không an toàn nên chủ quan trong việc tự trang bị và thực hiện bảo hộ lao động.

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng về số vụ tai nạn lao động giản đơn trong nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã gióng lên hồi chuông báo động. Trong tổng số 38 vụ tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng thì có tới 28 vụ tai nạn lao động giản đơn trong nông nghiệp (chiếm gần 74%), khiến 5 người tử vong, 5 người bị thương nặng. Với một tỉnh có tới hơn 80% dân số làm nghề nông nghiệp như Ðiện Biên trong điều kiện hiện nay xu thế sử dụng cơ giới hóa, hóa chất ngày càng nhiều thì nguy cơ mất an toàn lao động, vệ sinh lao động ngày càng cao. Vì phần lớn nông dân mua máy móc nông nghiệp (máy cày, máy bừa, máy gặt đập, máy bơm nước...) qua các cửa hàng, đại lý tư nhân nên không được hướng dẫn cách sử dụng bài bản mà chủ yếu tự mày mò dẫn đến thiếu kiến thức trong việc vận hành, bảo trì cũng như xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố. Còn về phía cơ quan chức năng, vì nhiều nguyên nhân nên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên cho biết: Công tác tuyên truyền cho người lao động để thực hiện đảm bảo an toàn lao động trên địa bàn thời gian qua đã được chú trọng bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp thì chưa được thực hiện theo chuyên đề do không có kinh phí mà chỉ lồng ghép tuyên truyền với hoạt động của các cơ quan chuyên môn. Việc bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn cho chính mình trong quá trình lao động chưa thực sự được người dân quan tâm. Và vấn đề tai nạn lao động trong nông nghiệp thường không được người dân khai báo nên không có số liệu thống kê đầy đủ về các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực này.

Ðể hạn chế tai nạn lao động trong nông nghiệp cần tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thông qua việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn sử dụng máy móc nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”; tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp, nông dân và cần nhất vẫn là thay đổi thói quen làm việc của nông dân để đảm bảo an toàn. Có như vậy mới có thể hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro về tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp.