Xử lý nghiêm các sai phạm về an toàn thực phẩm

Thứ Bảy 8:01 05/01/2019

Năm 2018 công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng liên quan, việc xử lý vi phạm trở nên nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng nhiều lần so với trước.

Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, tổ chức tại Trụ sở Chính phủ vào sáng 4-1. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm tăng

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính gần 89 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 (năm 2017, tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 68.746 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn nông nghiệp nông, lâm, thủy sản, phát hiện 4.909 cơ sở vi phạm và xử phạt 38,44 tỷ đồng.

Việc kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho thấy tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đã tăng lên 98,2%; tỷ lệ cơ sở xếp loại C được kiểm tra và nâng hạng A, B là 60,6% (tăng so với 2017).

 

Năm 2018, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát PCTP về Môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can về tội "Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm" và một số tội danh khác có liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.

Công tác kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trong nước được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến đáng kể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2016, 2017: không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 271/2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (giảm 26,7% so với 2017); 5/2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (giảm 0,63% so với 2017); 46/3.018 mẫu thủy sản, sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (tăng 0,89% so với 2017)...

Chất lượng, hiệu quả sự phối hợp liên ngành Nông nghiệp, Công thương, Công an, y tế trong kiểm soát chất cấm, kiểm soát lạm dụng hóa chất công nghiệp, kiểm soát tạp chất trong nguyên liệu thủy sản... được nâng cao. Công tác giám sát, phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì, triển khai bài bản, đã kịp thời đưa ra cảnh báo, xử lý các trường hợp, sự cố mất an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ (số vụ, số người mắc, số đi viện, số người tử vong đều giảm), bảo đảm an toàn thực phẩm tại các sự kiện, hội nghị.

Tính đến ngày 30-11-2018, toàn quốc ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong (giảm 44 số vụ, 560 nạn nhân, 783 người nhập viện và 8 người tử vong so với năm 2017).

Tiếp tục siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số tồn tại như việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương dù tổ chức thanh kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, giết mổ không bảo đảm an toàn thực phẩm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Tình hình buôn lậu qua biên giới bước đầu đã ngăn chặn có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp.

Phương tiện quảng cáo hiện rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, trang web của tổ chức cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian quảng cáo...

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là công tác thông tin tuyên truyền, hoạt động sản xuất, phân phối sạch gắn với truy suất nguồn gốc.

Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục kiên trì kiểm soát, đó là: việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, giết mổ gia súc gia cầm, kinh doanh sản phẩm tươi sống. Đối với thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, cho phép các nhà thuốc, siêu thị được bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhưng dứt khoát sản phẩm chức năng phải sử dụng đúng tên, không lẫn với thuốc và nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức nghiêm trị.

 

Ảnh mang tính chất minh họa.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành tăng cường các biện pháp răn đe, xử lý, đưa ra xét xử nghiêm đối với những sai phạm đã rõ ràng. Ví dụ như nhiều trang thông tin điện tử đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm chức năng không rõ ràng, làm người dân dễ nhầm lẫn là thuốc thì cần phải xử lý nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị đóng cửa để cảnh tỉnh mọi người.

Thời gian tới, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm.

Trong đó, trọng tâm cần thực hiện là tại các đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... để thực phẩm tại các đô thị lớn có chất lượng tương đương với các sản phẩm xuất khẩu.