Ðể phụ nữ nghèo biên giới vươn lên

Thứ Tư 9:04 23/01/2019

ĐBP - Theo giới thiệu của Hội LHPN huyện Mường Nhé, chúng tôi đến thăm chị Sùng Thị Nếnh, bản Nậm Pố 2 (xã Mường Nhé) - điển hình trong phát triển kinh tế. Mặc dù, có chồng bị khuyết tật bẩm sinh, nhưng với bản tính cần cù, chị đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Chị Sùng Thị Nếnh, chia sẻ: Trước đây, cuộc sống gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với lối canh tác lạc hậu. Ðể có nguồn vốn phát triển kinh tế, năm 2013 chị đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, gà, lợn… về nuôi, theo hình thức nuôi nhốt. Ðồng thời, mở cửa hàng tạp hóa, may trang phục dân tộc bán cho người dân trong bản và vùng lân cận. Ðến nay, gia đình chị có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm; không những thoát được nghèo mà còn vươn lên khá giả, mua sắm đầy đủ vật dụng trong gia đình; các con được đến trường đầy đủ.

 

Chị Sùng Thị Nếnh bán hàng phục vụ người dân trong bản.

Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé, cho biết: Xác định hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đồng nghĩa với việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như xóa đói giảm nghèo cho hội viên và gia đình... Với phương châm “Cầm tay chỉ việc” để giúp hội viên phụ nữ phát huy vai trò là những người “xây tổ ấm”; làm chủ các mô hình kinh tế, Hội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tiên quyết là thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã tạo hiệu ứng thiết thực, lan tỏa đến toàn hội viên. Ðồng thời, Hội đã tổ chức các hoạt động đến cơ sở; tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương bằng nhiều hình thức, như: Mở rộng các loại hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi tập trung...

Hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cho 11/11 cơ sở Hội ký kết thực hiện giao ước thi đua; thường xuyên vận động gia đình hội viên, phụ nữ duy trì thực hiện tốt các phong trào, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” gắn với thực hiện phong trào “Mỗi hội viên nông thôn có một vườn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên”... Ðối với phụ nữ nghèo, khó khăn về nhà ở, bằng sự khớp nối với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, Hội đã hỗ trợ 4 nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, trị giá 30 triệu đồng/căn. Ðể phụ nữ nghèo có thêm tư liệu, nguồn vốn sản xuất, Hội tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện để phát triển mô hình kinh tế. Năm 2018, Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho 350 lượt vay với tổng số tiền là 10.503 triệu đồng. Ðến nay, Hội quản lý với 33 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 50.042 triệu đồng; 33 nhóm phụ nữ TDTK với tổng trị giá tiền tiết kiệm 488 triệu đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, Hội LHPN huyện còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hội viên bằng nhiều hình thức, như: Phối hợp với các đơn vị mở lớp tập huấn dạy nghề và nâng cao tay nghề cho hội viên; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tuyên truyền đến các hội viên thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Từ mô hình sản xuất giỏi đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, như: Chị Ðào Thị Hiểng; Sùng Thị Nếnh… Qua đó, góp phần khẳng định vị thế phụ nữ trong xu hướng hội nhập; phát huy tinh thần sáng tạo và những cách làm hay của mỗi hội viên, tạo tiền đề vững chắc trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao biên giới.