Quyết tâm làm thầy giáo

Thứ Năm 11:13 24/01/2019

ĐBP - Ðã hơn 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về lần đầu được gặp Bác Hồ của ông Lò Xuân Ánh (78 tuổi)  dường như vẫn vẹn nguyên. Ông kể rằng, nhờ được gặp Bác, nghe những lời động viên của Người mà ông thêm quyết tâm vượt qua được khó khăn, tích cực học tập để trở thành thầy giáo, mang con chữ lên ngàn.

Ðầu năm 1957, ông Lò Xuân Ánh, bản Mường Pồn, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) được chính quyền địa phương cử đi học tại Trường Sư phạm Miền núi Trung ương (Hà Nội). Ngày ấy đất nước còn khó khăn, Ðiện Biên mới giải phóng được 3 năm, đường sá, ruộng đồng nham nhở hố bom mìn, xe khách không lên được Ðiện Biên. Ðể về được Hà Nội, ông phải đi bộ xuống tỉnh Sơn La, rồi đón xe đi từng chặng, 5 - 6 ngày mới tới nơi. Nhưng đó không phải là khó khăn đối với chàng thanh niên 17 tuổi Lò Xuân Ánh, mà là nỗi nhớ nhà, thương mẹ cha già yếu nuôi đàn em nhỏ khiến ông muốn bỏ học mà về…

 

Ông Lò Xuân Ánh ngắm lại tấm hình của ông chụp cùng Bác Hồ.

Ông Ánh kể: Giữa tháng 5/1957, ông và các bạn trong trường vừa kết thúc tiết học buổi sáng thì được nhà trường thông báo ngày mai có Bác Hồ về thăm trường, tất cả học sinh ăn mặc gọn gàng để đón Bác. Với ông Ánh, ước mơ gặp Bác là điều khó thành hiện thực, bởi trong suy nghĩ của ông, Bác Hồ bận trăm công nghìn việc làm sao có thể gặp được Bác! Cả ngày hôm đó ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, thậm chí không ngủ được vì quá hồi hộp, xúc động, chỉ mong trời sáng để được gặp Bác.

Hôm sau, tất cả học sinh tập trung tại hội trường, ông Ánh vinh dự đứng hàng đầu và được phân công cầm ảnh Bác. Khi Bác xuất hiện, toàn hội trường hô vang “Bác Hồ muôn năm”… Bác ân cần đến hỏi han từng người. Ðến lượt ông Ánh, Bác cũng ân cần hỏi “Cháu tên gì, nhà ở đâu, có nhớ nhà không, cháu ăn cơm ở trường có no không?”... Ông Ánh thưa với Bác, mình là người dân tộc Thái, nhà ở Lai Châu, rất nhớ bố mẹ và đói. Nghe ông Ánh nói, Bác Hồ mỉm cười trìu mến, xoa đầu ông Bác khen ông thật thà, đó là một đức tính tốt. Bác ân cần dặn dò ông phải cố gắng học tốt, sau này làm thầy giáo, dạy học cho nhiều người, truyền đạt làm sao để nhiều người Lai Châu đều được đi học, biết chữ. Cháu học cho thật tốt thì mới xây dựng bản làng của cháu được; có như thế cháu mới không nhớ bố mẹ, nhớ bản mường, sau này mới có cuộc sống ấm no… Sau đó, Bác cho người mang kẹo đến phát cho ông và lần lượt từng học sinh trong hội trường. Vừa kể chuyện ông Ánh vừa rưng rưng xúc động nói: Cuộc đời ông chưa bao giờ ăn cái kẹo nào mà ngon, ý nghĩa đến thế. Phát kẹo xong, Bác dắt tay ông, cùng mọi người ra sân trường chụp ảnh lưu niệm. Giờ đây, tấm ảnh đó luôn được ông treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà.

Nghe lời Bác Hồ căn dặn, ông Lò Xuân Ánh như được tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn, quyết học bằng được con chữ để về quê dạy học. Năm 1960, ông Lò Xuân Ánh chuyển về Trường Sư phạm Thuận Châu (Sơn La) học tiếp. Năm 1963, ông Ánh tốt nghiệp Trường  Sư phạm Thuận Châu và trở thành giáo viên dạy môn Lịch sử. Ông trở về địa phương và nhận công tác tại một trường khó khăn nhất của huyện Ðiện Biên. Sau đó luân chuyển đến nhiều trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Khắc ghi lời dạy của Bác, trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, ông Lò Xuân Ánh luôn là người thầy gương mẫu, hết mực thương yêu học sinh. Dù cuộc sống khó khăn đến mấy cũng khắc phục, vận động học sinh đi học, thậm chí buổi tối còn đến tận nhà để dạy chữ cho con em các dân tộc: Thái, Mông, Khơ mú… Noi theo bố, các con của ông đều học sư phạm và trở thành thầy giáo, cô giáo, mang ánh sáng văn hóa đến với người dân vùng sâu, vùng xa.

Trong những năm tháng đứng trên bục giảng, ông Lò Xuân Ánh công tác ở rất nhiều trường, dìu dắt bao thế hệ học trò. Nhiều học sinh của ông thành đạt, trở thành giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, tham gia vào các hoạt động cấp ủy, chính quyền địa phương, đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Giờ đây, tuổi đã cao nhưng ông Lò Xuân Ánh vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ để căn dặn con cháu phải học thật tốt thì mới xây dựng được quê hương, mới có cuộc sống no ấm đủ đầy.