Cùng suy ngẫm

Học cách tiếp nhận phê bình

Thứ Hai 9:16 18/03/2019

ĐBP - Trong cuộc sống và công việc, không phải ai cũng hoàn hảo. Ðôi khi chúng ta cũng có khuyết điểm, nhưng nhận ra khuyết điểm của bản thân và tự khắc phục nó không phải là dễ. Vì vậy, chúng ta cần nhận được góp ý từ người khác, những góp ý, phê bình chân thành và có tính xây dựng.

Thực tế, hầu hết chúng ta thường cảm thấy khó chịu ngay khi nhận lời phê bình cho dù có đúng hay không. Mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau với cảm xúc đó. Người bình tĩnh, lắng nghe, suy xét bản thân để thấy đúng, sai, rồi rút kinh nghiệm. Người vội vàng phản bác, bảo vệ cái tôi của mình. Cũng có không ít người im lặng, rồi “xả” bực bội lên các công cụ khác. Ðặc biệt, trong xã hội hiện đại, khi các trang mạng xã hội, facebook trở nên phổ biến, có những người khi nhận được góp ý, phê bình, không tự vấn bản thân đã làm đúng, làm đủ, làm tốt chưa, các ý trong lời phê bình có chính xác hay không mà ngay lập tức đăng tải dòng trạng thái ẩn ý, tức giận để kéo sự đồng tình của cộng đồng mạng - những người không biết nội tình nhưng rất tích cực tương tác. Ðương nhiên ai cũng có quyền tự do ngôn luận và sử dụng mạng xã hội theo ý muốn của mình (miễn không vi phạm pháp luật) nhưng cách xử lý ấy không mang giá trị tích cực cho cuộc sống thực tại của chính họ mà ngược lại, họ lại là người chịu thiệt. Cái thiệt ở đây là không thấy được thiếu sót của bản thân để sửa đổi; việc mình làm trì trệ, không tiến triển; luôn nghĩ người phê bình mình có động cơ không trong sáng, có ý trù dập, ganh ghét vì thế tạo rào cản đối địch.

Mỗi người đều cần có niềm tin vào chính mình nhưng không đồng nghĩa với việc luôn cho mình đúng, không chấp nhận mình sai vì không ai có thể toàn diện mọi mặt. Vậy nên chúng ta cần học cách tiếp nhận lời phê bình bởi những lời phê bình chân thành là công cụ hữu ích để mỗi người tự hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn trong cuộc sống, công việc.