Huấn luyện “cảnh khuyển” ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động

Thứ Năm 8:56 21/03/2019

ĐBP - Ít ai nghĩ rằng, trong công tác tuần tra biên giới, đánh án ma túy, canh gác bảo vệ... của lực lượng Bộ đội Biên phòng còn có sự hỗ trợ rất nhiều từ các “chiến sĩ” đặc biệt, đó là những chú chó nghiệp vụ (cảnh khuyển). Ðể có một chú “cảnh khuyển” hiểu ý người huấn luyện, chỉ huy chúng là cả một quá trình huấn luyện lâu dài, cẩn trọng. Vì vậy, công việc của những huấn luyện viên ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cũng hết sức vất vả và nguy hiểm. Song họ vẫn không quản khó khăn, luôn kiên trì huấn luyện; nhờ vậy đã đào tạo được những “chiến binh” đặc biệt, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ trong mọi tình huống.

 

Ðội huấn luyện chó nghiệp vụ (Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) tập luyện ngoài thực địa.

Vào buổi trưa một ngày trung tuần tháng 3, tại bãi đất ven đồi cao su, thuộc bản Na Sang 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà), bất ngờ xuất hiện một thanh niên lấp ló sau những lùm cây. Hành vi của thanh niên này có dấu hiệu khả nghi nên “nhất cử, nhất động” của đối tượng đã lọt vào tầm quan sát của Trung úy Nguyễn Văn Hùng, Ðội trưởng Ðội huấn luyện chó nghiệp vụ (Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) và chú chó nghiệp vụ có tên là Zắc ta ở cách đó vài trăm mét. Cả Trung úy Hùng và Zắc ta đều tập trung ánh mắt về phía thanh niên đầy khả nghi kia. Vì trời nắng nên chú Zắc ta liên tục lè lưỡi, nhưng không hề phát ra tiếng động trong suốt thời gian dài mai phục. Bất ngờ, Trung úy Hùng hô “Xung phong!”, vừa dứt lệnh Zắc ta đã bứt tốc phóng như tên bắn về phía đối tượng khả nghi. Trong tích tắc chú Zắc ta đã nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, lao mình xô ngã đối tượng nằm bẹp giữa nền đất cỏ. Ðối tượng đã bị chú chó hạ gục cùng sự hỗ trợ của cán bộ quân hàm xanh.

Ðây là một trong những tình huống huấn luyện phục kích cho những chú chó nghiệp vụ do Ðội huấn luyện chó nghiệp vụ (Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) tổ chức tập luyện ngoài thực địa. Tiến về phía chúng tôi, Trung úy Hùng chia sẻ: “Dù là tập luyện, song mọi hành động đều phải thực hiện rất nghiêm túc và chính xác. Bởi vì công việc huấn luyện chó nghiệp vụ rất nguy hiểm. Chỉ cần “sai một ly là đi một dặm”. Không cẩn thận nó sẽ tấn công vào những vùng nguy hiểm, gây thương tích cho người phục vụ”.

Qua chia sẻ của Trung úy Hùng và những gì quan sát được, chúng tôi phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả, nguy hiểm của các huấn luyện viên Ðội huấn luyện chó nghiệp vụ (Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động). Là người có nhiều kinh nghiệm làm công tác huấn luyện chó nghiệp vụ, Trung úy Lý Sinh Trung, Ðội Huấn luyện chó nghiệp vụ, cho biết: “Hơn 13 năm tham gia huấn luyện chó nghiệp vụ, tôi đã huấn luyện 2 chú chó nên rất hiểu về nhiệm vụ này. Huấn luyện chó nghiệp vụ không dễ; từ khâu chọn giống, chọn chó đến đào tạo, huấn luyện, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và bài bản. Trong đó, công tác huấn luyện được coi trọng hàng đầu. Ðều đặn mỗi tuần, mỗi tháng, gần chục chú chó nghiệp vụ của đội đều được tổ chức huấn luyện các nội dung, như: Huấn luyện về cơ bản, kỷ luật; huấn luyện tuần tra, truy vết; huấn luyện phục kích, huấn luyện tìm kiếm cứu nạn và huấn luyện canh gác bảo vệ mục tiêu. Cũng giống như con người “văn ôn, võ luyện”, những chú chó nghiệp vụ cũng phải được huấn luyện thường xuyên; dù nắng hay mưa vẫn phải duy trì huấn luyện. Ðể huấn luyện một chú chó làm được các động tác cơ bản, như: đứng lên, ngồi xuống… thì chỉ cần 3 tháng, nhưng đào tạo thành công 1 chú chó nghiệp vụ có thể tham gia các chuyên án, tuần tra, truy kích… phải cần vài năm, thậm chí lâu hơn thế mới được bài bản”.

Không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn ở những chú chó nghiệp vụ mà cả huấn luyện viên cần tổng hợp rất nhiều kỹ năng. Từ kỹ thuật, phương pháp huấn luyện đến nền tảng thể lực, võ thuật, dũng cảm và tinh thông các kỹ năng phá án. Huấn luyện viên là người luôn theo sát chó nghiệp vụ mỗi khi phá án nên nếu chỉ huy không tốt, hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm mình không ứng phó được sẽ nguy hiểm cho cả hai và cả việc phá án. Trung úy Trung nói: “Chó không có tư duy như người; các phản xạ đều có điều kiện. Vì vậy, các huấn luyện viên phải kiên trì huấn luyện cho chúng với độ khó từ thấp đến cao để hình thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ. Nhiều lúc, huấn luyện viên cũng rất bức xúc với chúng nhưng không thể đánh đập mà vẫn phải gần gũi, vỗ về và coi chúng như những người bạn, người đồng đội”.

Quả thực, giữa huấn luyện viên và những chú chó phải có sự gắn bó khăng khít thì mới huấn luyện được chúng. Trung úy Hùng cũng vậy, dù mới 37 tuổi nhưng anh đã có 14 năm gắn bó với công việc huấn luyện chó nghiệp vụ. Trong sự nghiệp huấn luyện chó nghiệp vụ, anh Hùng đã huấn luyện 2 chú chó nghiệp vụ có tên là Cô zắc và Zắc ta.

Trung úy Hùng tâm sự: “Sau khóa huấn luyện ở Trường Trung cấp nghiệp vụ 24 Biên phòng, tôi đưa Cô zắc về đội. Gắn bó với chú chó này 10 năm nên tôi coi nó như người đồng đội của mình. Vì vậy, khi Cô zắc già yếu và chết, tôi đã rất buồn khi phải tiễn trò cưng của mình. Sau Cô zắc, tôi tiếp tục huấn luyện chú chó Zắc ta và đến nay cũng được 4 năm rồi. Thực sự, để chó và người thành “một đội”, tôi và các huấn luyện viên khác đều thân thiết, coi chó như người bạn và luôn quan tâm, yêu thương chúng. Vì vậy, dù khẩu lệnh các huấn luyện viên đều giống nhau nhưng mỗi chú chó chỉ nhận lệnh từ chính huấn luyện viên của nó”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Giang, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, cho biết: Hiện nay, Ðội Huấn luyện chó nghiệp vụ có 9 chú chó; mỗi huấn luyện viên phụ trách huấn luyện 1 con. Xác định việc huấn luyện có vai trò quan trọng nên dù nhiệm vụ huấn luyện chó không hề dễ dàng, song mỗi huấn luyện viên vẫn gắn bó với nghề, cần cù, tỉ mỉ, kiên trì để đào tạo chó nghiệp vụ. Ðến nay, các huấn luyện viên trong Ðội đều là những người có kinh nghiệm, người nào ít cũng có 4 năm tham gia huấn luyện. Những chú chó sau khi được đào tạo không chỉ phục vụ cho đánh án mà còn hỗ trợ rất nhiều cho bộ đội biên phòng trong tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới; cơ động chống bạo loạn và giải tán đám đông khi có các tình huống xấu xảy ra.

Chia tay các huấn luyện viên và những chú chó Ðội Huấn luyện chó nghiệp vụ (Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) khi trời đã xế chiều, song chúng tôi không thể nào quên hình ảnh gắn bó mật thiết như đồng đội với nhau của những người lính quân hàm xanh dành cho các “chiến sĩ” đặc biệt của đội. Dù còn nhiều gian khó, hiểm nguy, nhưng tin tưởng rằng, các huấn luyện viên sẽ nỗ lực vượt qua để thực hiện tốt công tác huấn luyện, đào tạo được nhiều chú chó nghiệp vụ, góp phần quan trọng làm nên những chiến công, bảo vệ an ninh Tổ quốc.